Hội thảo “Điều gì làm Hà Nội đáng sống?” được tổ chức tại Nest by AIA vào cuối tháng 3-2017 là sự tự vấn của những người luôn đau đáu về những đổi thay đô thị ở Hà Nội.
Các diễn giả trao đổi tại hội thảo – Ảnh: Trần Duy Anh |
Bản sắc đô thị và toàn cầu hóa
Bản sắc là một trong những tiêu chí quan trọng kiến tạo diện mạo đô thị. Tuy nhiên, toàn cầu hóa đang xóa nhòa các đặc trưng trong kiến trúc và quy hoạch đô thị. Những tòa nhà chọc trời hiện diện ở Hà Nội, Bangkok, Singapore, New York, London… đều thiếu nét riêng để nhận dạng, không thể nhìn vào đó để định danh tên tuổi mỗi thành phố.
Kiến trúc sư (KTS) Hoàng Thúc Hào – người từng giành Giải thưởng kiến trúc danh giá SIA-GETZ – luôn trăn trở trước hiện thực đó. Những trăn trở ấy được ông tổng kết thành “triết lý kiến trúc hạnh phúc”. Kiến trúc hạnh phúc bao gồm các yếu tố: kiến trúc sư hạnh phúc, công trình “ngạc nhiên bền vững” và người sử dụng hạnh phúc. Ông chia sẻ: “Chúng tôi muốn tạo nên những công trình thách thức sự đồng nhất trong kiến trúc của quá trình toàn cầu hóa. Chúng tôi gọi đó là những công trình “ngạc nhiên bền vững”, là hiện thân cho sự đa dạng của văn hóa kiến trúc trên mặt đất”.
Vị KTS đang là giảng viên Đại học Xây dựng nhận xét: “Hà Nội từng là một “ngạc nhiên bền vững”. Hà Nội xưa, tất cả các mặt nước, mặt ao, mặt hồ đều nối với sông Hồng, xen kẽ là các làng trong đô thị, quây xung quanh một cái thành. Từ hàng ngàn năm, Hà Nội đã giữ một thế cân bằng sinh thái và tự điều chỉnh cân bằng.
Hiếm có thủ đô nào trên thế giới có nhiều mặt nước như Hà Nội”. Cũng theo ông, chùa Một Cột – tòa kiến trúc bông sen cách điệu từ dưới nước vươn lên khi mới xuất hiện là một sự “ngạc nhiên, lạ, sốc, tức thời”. Trải qua hàng ngàn năm tồn tại, cái “ngạc nhiên lạ, sốc, tức thời” ấy đã trở thành “ngạc nhiên bền vững”.
KTS Hoàng Thúc Hào cho rằng xã hội hiện đại sẽ xuất hiện những nhu cầu mới, tất yếu phải có những “ngạc nhiên bền vững” mới và thú vị. “Gần đây, Việt Nam xuất hiện xu hướng canh tác nông nghiệp trong đô thị. Tại sao chúng ta không làm những cái làng theo chiều đứng. Ở trên đấy có thực phẩm, có canh tác, có mặt nước trên cao… Ngày hôm nay, cần có những “ngạc nhiên bền vững” mới và những cái đó phải là hạt nhân của một truyền thống mới”.
Quy hoạch, kiến trúc đô thị cần chú trọng đến nhóm người yếu thế
Aaron Vansintjan (nghiên cứu sinh Đại học London) chia sẻ: “Để quy hoạch thành phố tốt hơn, hãy lắng nghe những câu chuyện ít khi được kể”. Những câu chuyện ít khi được kể mà Aaron Vansintjan đề cập chính là câu chuyện của những con người yếu thế, những con người ở bên lề xã hội.
Mô hình “nhà ở một nửa” tại Chile – Ảnh minh họa: BĐS |
Một mặt trái khác của toàn cầu hóa là những cộng đồng yếu thế bị rơi vào lãng quên, bị gạt ra lề của sự phát triển. Ở nhiều xã hội, trong kiến trúc và quy hoạch đô thị, nhóm người này luôn chịu nhiều “tổn thương”.
Một trong những vấn đề được các diễn giả đề cập tại hội thảo là chiến dịch lập lại trật tự hè phố tại Hà Nội và TP.HCM thời gian gần đây. Vỉa hè là một không gian công cộng do cộng đồng tạo dựng và có chức năng phục vụ cộng đồng. Vỉa hè ở Việt Nam gắn với những nhóm yếu thế trong xã hội: những người bán hàng rong, những người chạy xe ôm, những người kinh doanh trên vỉa hè…
Họ là dân nghèo thành thị, người nông dân mất đất trong quá trình đô thị hóa dạt về thành phố, dân nhập cư… Mục đích của lập lại trật tự vỉa hè là lập lại trật tự, mỹ quan đô thị, an toàn giao thông. Quá trình này khiến nhóm người yếu thế mất đi sinh kế. Trên thực tế, không thể phủ nhận cộng đồng những người yếu thế mưu sinh trên vỉa hè đã và đang đóng góp cho nền kinh tế. Và kinh tế vỉa hè là một phần của hệ sinh thái kinh tế Việt Nam.
PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan, phó viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng), cho rằng trong nguyên lý quy hoạch, chúng ta chỉ quan tâm đến nhóm chính thức và không chuẩn bị không gian cho những nhóm không chính thức. Chính sự “lãng quên” khiến những nhóm không chính thức đang cống hiến cho thành phố phải dạt từ không gian này sang không gian khác và bị coi là nhóm gây ra sự lộn xộn.
Chính bởi không có chỗ đứng nên họ phải chiếm vỉa hè. Phó giáo sư nhấn mạnh: “Nếu tôi được thay đổi, trong chiến lược phát triển thành phố, tôi sẽ giữ tối đa các không gian mở mà không gian đó cho phép các thành phần không chính thức có thể tham gia nền kinh tế”.
Bên cạnh đó, KTS Hoàng Thúc Hào trăn trở về vấn đề làm kiến trúc cho những cộng đồng yếu thế. Một ví dụ tiêu biểu về kiến trúc cho cộng đồng yếu thế được nêu ra là “nhà ở một nửa” tại Chile của KTS Alejandro Aravena. Với số tiền ngân sách 7.500 USD vừa mua đất, vừa xây nhà, KTS Alejandro Aravena thực hiện xây một nửa công trình là khối thứ nhất.
Phần xây thêm khối thứ hai sẽ do chính người dân tự thực hiện, phụ thuộc vào khả năng thu nhập, thoát nghèo của người dân. Sự hữu dụng và độc đáo của kiến trúc khiến giá trị bất động sản công trình tăng theo thời gian. Hoàn thiện cả 2 khối nhà, người dân chỉ mất khoảng 10.000 USD. Nhưng giá trị những “ngôi nhà một nửa” được thị trường định giá lên tới khoảng 100.000 USD, đưa chủ nhân ngôi nhà gia nhập tầng lớp “trung lưu” trong xã hội.
Với KTS Hoàng Thúc Hào, kiến trúc đô thị nên mang những sứ mệnh xã hội. Sự sáng tạo trong kiến trúc trước hết cần vì tương lai con người và vì tương lai văn hóa. Ông nhấn mạnh: “Alejandro Aravena đã làm được hàng vạn nhà ở xã hội cho người dân Chile… Nhờ kiến trúc quy hoạch, những ngôi nhà đấy trở thành một phương tiện, giúp người dân nghèo có một vũ khí để cải thiện chất lượng cuộc sống, gia nhập tầng lớp trung lưu. Trên thực tế, người dân nghèo không bao giờ đủ tiền để tiếp cận kiến trúc sư. Nếu chờ đợi nhà nước thì thời gian chờ là rất lâu.
Chỉ còn một cách duy nhất là kiến trúc sư phải chủ động sáng tạo nên những cộng trình dành cho những cộng đồng yếu thế ấy. Đấy là một vấn đề. Đấy là thực hành kiến trúc của chúng tôi trong suốt nhiều năm”.
Thúy An/Batdongsan.com.vn
Nguồn Tạp chí kiến trúc Việt Nam
EmoticonEmoticon