Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đề xuất Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng xem xét ưu tiên lựa chọn phương án kiến trúc 7 cho nhà ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành để đưa vào hồ sơ mời thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
Phương án 7 lấy ý tưởng cách điệu từ hình ảnh lá cọ, dừa nước – một đặc trưng văn hóa đồng quê, sông nước của Việt Nam. Đây là phương án được Tổng công ty Hàng không Việt Nam đề xuất Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng xem xét ưu tiên lựa chọn – Ảnh: ACV
Đây là phương án kiến trúc lấy ý tưởng cách điệu từ hình ảnh lá cọ, dừa nước – một đặc trưng văn hóa đồng quê, sông nước của Việt Nam – áp dụng vào thiết kế phần mái công trình nhà ga.
Phương án 7 cũng được hội đồng đánh giá xếp hạng phương án thi tuyển kiến trúc nhà ga chấm điểm cao nhất.
Hiện đại, đậm chất địa phương
Theo ACV, trong các phương án kiến trúc nhà ga sân bay Long Thành dự thi, hội đồng chấm điểm cụ thể và đánh giá xếp hạng cao nhất là phương án 7, 3 và 4.
Ba phương án này cũng cơ bản đồng nhất với các phương án mà cộng đồng dân cư và các hội nghề nghiệp lựa chọn thông qua việc lấy ý kiến rộng rãi được tổ chức ở Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai, TP.HCM từ cuối năm 2016, đầu năm 2017.
Báo cáo bộ trưởng Bộ GTVT, ACV nhận định rằng phương án 7 có ưu điểm là lấy ý tưởng từ hình ảnh cây dừa nước, nhà thiết kế muốn mang đến một hình ảnh nhà ga hàng không đậm chất văn hóa địa phương.
Phương án này cũng có hình thức kiến trúc nhà ga hiện đại, kết hợp việc sử dụng các mảng xanh cảnh quan nội thất trong công trình và sử dụng vật liệu hài hòa, cố gắng tạo các điểm nhấn (là các khu kinh doanh dịch vụ, khu phòng chờ khách tại sảnh ga đi) để thể hiện một hình ảnh nhà ga hàng không năng động và hiện đại.
Đây cũng là phương án kết cấu đơn giản, phù hợp với điều kiện thi công, lựa chọn các kết cấu linh hoạt nhằm tiết kiệm, đẩy nhanh tiến độ, dễ tổ chức thi công… Đề xuất sử dụng vật liệu phù hợp với kết cấu và phù hợp với nhu cầu sử dụng cho các khu vực công năng trong nhà ga.
Chủng loại vật liệu ngoại thất và nội thất cũng phù hợp với xu hướng sử dụng cho các nhà ga hàng không trên thế giới, đảm bảo độ bền, tính thẩm mỹ và đặc tính kỹ thuật của nhà ga hàng không.
Tuy nhiên, hội đồng cũng chỉ ra phương án 7 có khuyết điểm là kiến trúc mái nhà ga hình rẻ quạt với nhiều nếp gấp cách điệu hình ảnh lá dừa nước, chia mái thành nhiều mảng nhỏ có thể làm tăng chi phí đầu tư do phải đảm bảo thoát nước, tăng chi phí thi công và bảo trì công trình.
Một sảnh vào nhà ga của phương án 7
Hoa sen, cây tre cũng được đánh giá cao
Với phương án 3, hội đồng đánh giá có ưu điểm là kiến trúc lấy ý tưởng từ hình ảnh hoa sen cách điệu, sử dụng xuyên suốt trong quá trình thiết kế, áp dụng vào thiết kế mái, phối cảnh từ góc nhìn mặt chính nhà ga, cảnh quan vị trí bên trên mái nhà để xe, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục.
Hình thức kiến trúc nhà ga hiện đại, màu sắc sử dụng cho các không gian hài hòa, tinh tế, bố cục hoành tráng, có điểm nhấn; đề xuất sử dụng vật liệu phù hợp với kết cấu, đảm bảo độ bền, tính thẩm mỹ và đặc tính của nhà ga hàng không.
Phương án 4 có quan điểm kiến trúc công trình chủ yếu là điểm nhấn nội thất nên phần ngoại thất mái nhà ga đơn giản, không chia nhỏ mái nên có ưu điểm là thuận tiện cho việc thi công lẫn bảo dưỡng công trình.
Ý tưởng nội thất chính là sử dụng vật liệu tre (hình tượng các nan tre xen của các vật dụng tre mà người nông dân Việt Nam đang sử dụng) được thiết kế thành hệ kết cấu đan kết để áp dụng cho toàn bộ các không gian chính của nhà ga.
Phương án sử dụng kết cấu tre đan kết thành không gian nội thất nhà ga để thể hiện một hình ảnh nhà ga hàng không mang tính đặc thù văn hóa địa phương được đánh giá là có những nét độc đáo.
Kiến trúc này khác biệt so với các nhà ga hàng không trên thế giới, thân thiện với môi trường, có nghiên cứu giải pháp tái tạo, sử dụng năng lượng, nước, gió, điện…
Mặc dù vậy, hội đồng cũng nhận xét công trình sử dụng kết cấu tre tương tự tại Việt Nam là chưa có nên cần nghiên cứu kỹ về độ bền và tuổi thọ của vật liệu, nguồn cung cấp vật liệu khi sử dụng với khối lượng rất lớn như tác giả đề xuất.
Phương án 4 với nội thất sử dụng vật liệu tre
Chọn một phương án, tổng hợp ưu điểm của các phương án
Theo ông Đỗ Tất Bình – phó tổng giám đốc ACV, phân tích, đánh giá các ưu nhược điểm của ba phương án được hội đồng lựa chọn xếp hạng cao nhất cho thấy mặt bằng bố trí kiến trúc cả ba phương án đều tương tự nhau, chỉ khác về hình dáng kiến trúc bên ngoài.
Theo nhận định của ACV, ba phương án 7, 3 và 4 đều có kiến trúc phù hợp, tính khả thi cao, đáp ứng tối đa các yêu cầu về công năng sử dụng, thẩm mỹ, thể hiện được ý nghĩa, tính chất đặc biệt quan trọng của công trình và phù hợp với quy hoạch sân bay Long Thành.
Do đó, một trong ba phương án đều có thể đề xuất Chính phủ lựa chọn để đưa vào hồ sơ mời thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án (F/S).
Tuy nhiên, ACV thống nhất với đánh giá của hội đồng, đề xuất Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng xem xét ưu tiên lựa chọn phương án 7 được hội đồng chấm điểm cao nhất để đưa vào hồ sơ mời thầu tư vấn lập F/S dự án.
“ACV cũng cho biết sẽ chỉ đạo đơn vị tư vấn trúng thầu lập F/S tổng hợp ưu điểm của các phương án dự thi để đưa vào F/S” – ACV nêu rõ trong báo cáo bộ trưởng Bộ GTVT.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Ngọc Hùng – chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam – cho biết trước đây tổng hội kiến nghị Bộ GTVT, ACV lựa chọn phương án 3 với biểu tượng hoa sen.
“Chúng tôi thích phương án 3 có biểu tượng hoa sen cách điệu hơn. Nhưng về mặt kiến trúc, góc nhìn từ trên cao xuống của phương án 3 và 7 đều tương đối giống nhau.
Đây chỉ mới là hình ảnh của phương án kiến trúc nên mang tính tương đối. Nếu Bộ GTVT chọn phương án nào thì họ cũng có cái lý của họ” – ông Hùng nhận định về đề xuất chọn phương án 7 của ACV.
Trước đó, vào ngày 7-12-2016, Hội Kiến trúc sư Việt Nam có công văn gửi Bộ GTVT, ACV nêu rõ trong 9 phương án được đưa ra thì hai phương án 4 và 7 có nhiều ưu điểm hơn cả. Hội thống nhất cao trong việc lựa chọn phương án 4 là phương án có nhiều ưu điểm để tiếp tục nghiên cứu triển khai.
KTS Phạm Thanh Tùng (chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam):
Không nên bó buộc trong bản sắc Các phương án số 3, 4 và 7 đều có ưu điểm. Cần phải xác định đây là công trình thế kỷ, sử dụng lâu dài, bền vững và nó phải là biểu tượng cho một nền kiến trúc hiện đại của một đất nước đang đổi mới, vươn lên, chứ không thể bị bó buộc trong cái gọi là bản sắc Việt Nam. Sân bay Long Thành không chỉ là sân bay của TP.HCM hay Đồng Nai mà là sân bay của khu vực Nam bộ, là đầu mối kết nối quan trọng. Trong kiến trúc, nhà ga hàng không là cửa ngõ của một đất nước, nhìn nhà ga hàng không, người ta đánh giá được sự phát triển của đất nước đó. Cho nên đây là điều kiện thuận lợi để chúng ta xây dựng nhà ga xứng tầm. Bản sắc dân tộc ở đây không phải là sử dụng vật liệu tre hay hình ảnh dừa nước mà quan trọng nhất là làm sao để phục vụ, đáp ứng được nhu cầu giao thông thuận tiện cho mọi người trong quá trình phát triển. |
Đồng Nai đã sẵn sàng Chiều 2-3, trao đổi với Tuổi Trẻ về hướng chuẩn bị cho dự án sân bay quốc tế Long Thành, ông Trần Văn Vĩnh – phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai – cho biết theo thẩm quyền phần tỉnh đã dự thảo khung chính sách đặc thù về tái định cư, đền bù… cho dân ở vùng dự án và đã trình Chính phủ cùng các bộ ngành liên quan. Tuy nhiên, theo quy định phải có báo cáo nghiên cứu khả thi mới tách tiểu dự án ra được. Hiện tỉnh đã sẵn sàng và chờ các quyết sách để thúc đẩy nhanh giải phóng mặt bằng. Trước đó, Đồng Nai đã có văn bản đề nghị Chính phủ cho phép tách ngay công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư thành tiểu dự án riêng và giao cho địa phương làm chủ đầu tư để triển khai sớm hạng mục quan trọng này. Đồng Nai cũng xin được phép thực hiện thủ tục thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng ngay trong năm 2016 để xây dựng hai khu tái định cư Lộc An và Bình Sơn tại huyện Long Thành nhằm bố trí chỗ ở cho hơn 4.000 hộ dân. Đồng Nai cũng đề nghị được phê duyệt dự án xây các khu tái định cư trước khi báo cáo nghiên cứu khả thi sân bay Long Thành được phê duyệt. |
Nguồn Tạp chí kiến trúc Việt Nam
EmoticonEmoticon