Còn nhiều bất cập trong Dự thảo Luật Quy hoạch

22:29

Dự thảo Luật Quy hoạch do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo đang nhận được nhiều ‎luồng ý ‎kiến khác nhau của các chuyên gia. Các ý kiến đều cho rằng các quy định về lĩnh vực quy hoạch xây dựng (QHXD) chưa được quy định rõ và còn thiếu. Quy hoạch xây dựng chỉ được nêu, xác định bằng quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là chưa đầy đủ.


Dự thảo Luật Quy hoạch chỉ xác định quy hoạch xây dựng bằng quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là chưa đầy đủ.

Khó khả thi?

Ai cũng biết, QHXD là một loại quy hoạch vật thể, trực tiếp tạo lập, tổ chức không gian vật thể bao gồm các công trình bất động sản, nhà ở, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái. Chính vì vậy, QHXD có tầm quan trọng đặc biệt luôn hiện hữu, tác động lớn, trực tiếp, thường xuyên, liên tục tới không gian sống của từng người dân và toàn xã hội, tạo lập bộ mặt đô thị, nông thôn hiện đại và có bản sắc.

QHXD có tính liên thông, thống nhất giữa các cấp độ khác nhau (QHXD vùng, QHXD đô thị, QHXD nông thôn và QHXD khu chức năng đặc thù). QHXD là công cụ pháp lý, công cụ quản lý Nhà nước cơ bản để kiểm soát quá trình phát triển, quá trình xây dựng đô thị và nông thôn theo quy hoạch và có kế hoạch.

Với tầm quan trọng đặc biệt và tính đặc thù của công tác QHXD như đã nêu trên, hệ thống pháp luật về QHXD đã ngày càng được hoàn thiện và hiện nay, quy định pháp luật về QHXD đã được thể hiện khá đồng bộ, thống nhất trong Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị.

Đặc biệt, Luật Xây dựng năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2015) thời gian thực hiện mới được trên 2 năm, tuy nhiên, đã có tác động quan trọng đưa công tác QHXD đi vào nề nếp, bài bản và điều chỉnh tốt các vấn đề thực tiễn, đóng góp quan trọng vào công tác quản lý Nhà nước, phục vụ có hiệu quả sự phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương, vùng lãnh thổ và cả nước.

Trong khi đó, tại phiên bản gần nhất của dự thảo Luật Quy hoạch, các quy định về lĩnh vực QHXD chưa được quy định rõ và còn thiếu. Cụ thể, không quy định về QHXD trong hệ thống quy hoạch tại Việt Nam. QHXD chỉ được nêu, xác định bằng quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là chưa đầy đủ.

Việc tổ chức lập, hình thành một bản quy hoạch tổng thể trong thời điểm hiện nay là chưa khả thi vì không dễ dàng thực hiện đồng loạt, tất cả các nội dung lĩnh vực trong cùng một thời gian. Do đó, dẫn đến thời gian để hoàn thành việc lập một bản quy hoạch sẽ kéo dài hoặc chất lượng nội dung của quy hoạch không đảm bảo các yêu cầu về mặt kỹ thuật đặc thù của từng ngành, đặc biệt là đối với QHXD. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, ngay trong việc tổ chức lập QHXD, chỉ khi nào các nội dung nghiên cứu, đề xuất về không gian, kiến trúc cảnh quan cơ bản ổn định thì việc nghiên cứu, đề xuất về các nội dung hạ tầng kỹ thuật và môi trường mới đủ điều kiện để tiến hành.

Cần thiết nhưng chỉ nên là Luật khung

TS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội cho rằng, cần thiết phải xây dựng Luật Quy hoạch nhưng chỉ nên là Luật khung, chỉ cần xác định quy hoạch gồm những vấn đề gì chứ không nên quy định cụ thể, chi tiết như trong Dự thảo. “Dự thảo Luật có nêu Luật Quy hoạch ra đời sẽ phải điều chỉnh 32 Luật, nhưng qua nghiên cứu tôi thấy sẽ phải điều chỉnh 51 Luật và 59 Nghị định. Như vậy có thể gây xáo trộn không cần thiết và mất rất nhiều thời gian cho việc chỉnh sửa. QHXD là quy hoạch tổng hợp đa ngành. Bất kỳ nước nào cũng đều có QHXD. Riêng đối với nước ta, QHXD rất được chú trọng, luôn đi trước một bước. Do đó, Luật Quy hoạch dù điều chỉnh như thế nào thì vẫn phải có khung về QHXD”, TS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

Còn PGS.TS Đỗ Tú Lan, nguyên Phó Viện Trưởng Viện Quy hoạch Phát triển đô thị nông thôn thì cho biết: Nếu thực hiện như quy định tại dự thảo Luật Quy hoạch, trên thực tế sẽ bãi bỏ hoặc điều chỉnh một số lượng rất lớn các QHXD đã và đang được thực hiện, có thể dẫn đến sự lúng túng, mất rất nhiều công sức, nguồn lực, thời gian và có thể tác động tiêu cực và có nhiều hệ lụy đối với sự phát triển kinh tế – xã hội.

Dự thảo đề xuất 4 nhóm loại: Quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch cấp tỉnh và quy hoạch ngành quốc gia.

Dự thảo Luật quy hoạch mới chỉ giải quyết được những vấn đề vĩ mô theo kiểu quy hoạch kinh tế-xã hội trước đây mà không hiểu các vấn đề có tính kỹ thuật và khoa học đối với việc quy hoạch những không gian có điều kiện địa hình và những liên kết các công trình vật chất cụ thể. Về những định hướng chiến lược mang tính quốc gia, thực tế đã được nêu trong các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ, việc thể hiện trên bản đồ tỷ lệ 1/1000000 chỉ là minh hoạ sơ bộ chứ không có giá trị về Quy hoạch vì đó là tỷ lệ quá lớn, không thể mô tả chính xác được không gian vật chất gì.


Quy hoạch theo trục hành lang giao lưu quốc tế từ Mỹ Đình đến Nội Bài.

Về việc phân vùng để lập quy hoạch, TS Lan cho rằng đây là vấn đề rất cần làm rõ hơn, nếu phân theo kiểu kinh tế, xã hội như trước đây (6 vùng kinh tế) tất cả duyên hải từ Bắc đến Nam là một vùng kinh tế thì việc quy hoạch vùng là bất hợp lý. Vì việc quy hoạch vùng đối với ngành xây dựng, môi trường hay thuỷ lợi cần thiết phải xem xét và thiết kế cho một vùng sinh thái có các giải pháp công trình thượng lưu và hạ lưu, việc phân bố dân cư hợp lý giữa không gian địa hình khác nhau, phối kết hợp các hoạt động kinh tế khác nhau.

Về phần giải trình điều 6 hệ thống quy hoạch đang chưa làm rõ phạm vi nông thôn, các điểm dân cư nông thôn, việc quy hoạch nông lâm ngư nghiệp, dịch chuyển cơ cấu sản xuất, cây trồng,… Đây là phạm vi rất lớn chiếm gần 70% dân số cả nước và lãnh thổ rộng lớn?

Trước thực tế trên, Bộ Xây dựng đã đề xuất phương án chỉnh sửa cụ thể trong dự thảo Luật Quy hoạch. Theo đó, Chỉnh sửa Khoản 4 Điều 12 (về hệ thống quy hoạch): “ Quy hoạch xây dựng gồm quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù”.

Chỉnh sửa Khoản 6 Điều 13 (về mối quan hệ giữa các loại quy hoạch):“Quy hoạch xây dựng phải phù hợp với quy hoạch cấp Quốc gia, quy hoạch vùng. Việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng thực hiện theo quy định pháp luật về xây dựng và quy hoạch đô thị”.

Báo Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin về các nội dung của Luật Quy hoạch.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về tiếp thu, chỉnh lý Luật Quy hoạch có liên quan đến lĩnh vực Quy hoạch xây dựng:

Ngày 13/01/2017, tại Văn bản 382/VPCP-PL về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quy hoạch, Văn phòng Chính phủ, đã thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quy hoạch, trong đó đã chỉ đạo rõ: “Về Quy hoạch xây dựng: Bảo đảm có quy định trong dự thảo Luật theo hướng kế thừa, tích hợp đồng bộ và điều chỉnh quy hoạch xây dựng bao gồm Quy hoạch xây dựng vùng, Quy hoạch đô thị, Quy hoạch xây dựng nông thôn, Quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù theo quy định hiện hành”.

Vân Anh/Báo Xây dựng


Nguồn Tạp chí kiến trúc Việt Nam
Còn nhiều bất cập trong Dự thảo Luật Quy hoạch Còn nhiều bất cập trong Dự thảo Luật Quy hoạch
910 1

Bài viết Còn nhiều bất cập trong Dự thảo Luật Quy hoạch

Chia sẻ bài viết

Cùng Chuyên Mục

Previous
Next Post »