Từ yêu cầu của công tác hoàn thiện thể chế và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Bộ Xây dựng vừa có Tờ trình kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép đưa việc xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ năm 2018 để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, quyết định.
Theo Bộ Xây dựng, sau 30 năm đổi mới, tiến trình đô thị hóa đã gắn kết với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đạt được nhiều kết quả quan trọng: Hệ thống đô thị Việt Nam đã có bước phát triển nhanh về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ đô thị hóa tăng từ khoảng 19,6% với 629 đô thị vào năm 1999 lên khoảng 36,6% với 802 đô thị vào năm 2016. Tốc độ đô thị hóa tăng nhanh tại các đô thị lớn, lan tỏa và phân bố đồng đều hơn trên phạm vi cả nước. Bên cạnh nhiều đô thị mới hình thành và phát triển, số lượng lớn các đô thị hiện hữu được nâng cấp, mở rộng về quy mô đất đai, đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã, bộ mặt đô thị đã có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại, đã góp phần làm thay đổi diện mạo đất nước. Khu vực đô thị đã chiếm tỷ trọng chi phối trong tổng GDP, giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất nhập khẩu, tiến bộ khoa học công nghệ và có tác động lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội ở các vùng và cả nước.
Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập nếu không được khắc phục và kiểm soát tốt sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy và hậu quả lâu dài về nhiều mặt. Một số bất cập, hạn chế trong lĩnh vực đầu tư phát triển gồm: Chất lượng tăng trưởng đô thị chưa cao, chưa thực sự thể hiện đúng vai trò tạo động lực tăng trưởng kinh tế cho từng vùng và quốc gia. Năng lực cạnh tranh của đô thị không cao. Hệ thống hạ tầng chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, dân số, chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân và các hoạt động kinh tế. Tình trạng ách tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường diễn ra phổ biến… Hệ thống các công trình hạ tầng xã hội như y tế, giáo dục, văn hóa, công viên cây xanh thiếu, tỷ lệ đạt thấp so với quy chuẩn. Việc triển khai đầu tư phát triển đô thị còn dàn trải. Nhiều dự án đô thị mới có tỷ lệ sử dụng thấp gây lãng phí đất đai và nguồn lực. Các khu vực đô thị hiện hữu, nhất là trung tâm đô thị, chậm được cải tạo, chỉnh trang. Khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu của các đô thị chưa cao. Việc thực hiện các cam kết của quốc gia về cắt giảm phát thải khí nhà kính khó khăn. Nguồn lực cho phát triển tại các đô thị còn thiếu và chưa được sử dụng hiệu quả. Quản lý phát triển đô thị chưa hiệu quả. Năng lực quản lý đô thị các cấp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển…
Các hạn chế, bất cập trong quá trình phát triển đô thị do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng là do hệ thống văn bản pháp luật về quản lý phát triển đô thị chưa thống nhất, phân tán, chưa đồng bộ, thiếu ổn định và chưa điều chỉnh toàn diện các vấn đề từ thực tiễn. Để xử lý cấp bách những vấn đề trong đầu tư phát triển đô thị dẫn đến lãng phí đất đai, nguồn lực xã hội tác động xấu đến thị trường BĐS và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 11/2013/NĐ-CP về Quản lý đầu tư phát triển đô thị với mục tiêu kiểm soát chặt chẽ quá trình đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch và có kế hoạch để khắc phục các bấp cập đang tồn tại và là cơ sở tiếp tục nghiên cứu xây dựng Luật Đô thị. Cùng thời điểm, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII, về chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội tiếp tục quyết nghị giao: “Bộ Xây dựng khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Quản lý đô thị…” tại Nghị quyết số 40/2012/QH13 ngày 23/11/2012.
Qua tổng kết 3 năm triển khai thực hiện Nghị định số 11/2013/NĐ-CP cho thấy, hoạt động đầu tư phát triển đô thị trên cả nước đã có sự chuyển biến rõ nét trong công tác quản lý đầu tư phát triển đô thị, có sự kiểm soát thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, việc ban hành sửa đổi bổ sung một số Luật như: Luật Đầu tư 2014, Luật Đầu tư công 2014, Luật Nhà ở 2014… đã điều chỉnh tính pháp lý của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP. Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 2942/BXD-PC ngày 27/12/2016 về việc báo cáo Chính phủ xin ý kiến sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP, chuyển những nội dung sửa đổi của Nghị định vào Luật Quản lý phát triển đô thị và được Chính phủ chấp thuận.
Nguồn Tạp chí kiến trúc Việt Nam
EmoticonEmoticon