Xây dựng Luật Quy hoạch: Cải cách thể chế hay đơn thuần cải tiến kỹ thuật?

22:29

LTS: Theo luật sư Nguyễn Tiến  Lập, Trọng tài viên VIAC, việc ban hành một đạo luật về quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng bởi tính chi phối sâu rộng của nó. Do đó, cần đặt luật này trong khuôn khổ cải cách thể chế, làm thay đổi phương thức can thiệp của chính quyền vào đời sống kinh tế – xã hội hơn là các cải tiến kỹ thuật để nâng cấp chất lượng. Nói một cách cụ thể, đối với Nhà nước, thay cho quy hoạch toàn diện phát triển kinh tế – xã hội, chỉ nên tập trung vào quy hoạch sử dụng không gian và đất đai.

TBKTSG: Hiện nay mỗi bộ, ngành đều thực hiện lập quy hoạch. Mỗi quy hoạch trước khi ban hành đều có một hội đồng tham gia đóng góp ý kiến đến từ cơ quan của Chính phủ, các bộ, ngành, các hội nghề nghiệp và các cơ quan địa phương. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn nhận định, không bộ nào để tâm đến lĩnh vực của bộ nào. Theo ông, việc này là do nhận thức, năng lực yếu kém hay do các bộ cố tình bảo vệ “lợi ích” của chính mình?

Luật sư Nguyễn Tiến Lập.

- Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Tôi quan niệm bộ máy nhà nước, dù là bộ hay cơ quan nào, cũng bao gồm thiết chế và con người, thậm chí là các cá nhân cụ thể. Trong điều kiện của nước ta, phần thiết chế vốn được sinh ra để kết nối giữa các bộ phận của cấu trúc tổng thể nhưng lại yếu thì phần con người sẽ trội lên, gắn kèm là các khía cạnh lợi ích, bao gồm lợi ích cục bộ của tập thể và lợi ích cá nhân. Con người lại phục vụ theo nhiệm kỳ, do đó, phát sinh vấn đề lợi ích theo nhiệm kỳ nữa, bao gồm các lợi ích nhiều mặt, cả chính trị, quyền lực hành chính và kinh tế. Do đó, một khi có các hiện tượng tiêu cực trong công tác quy hoạch như sự thiếu nhất quán và đồng bộ, chồng chéo và mâu thuẫn thì có lẽ đó chính là một tình trạng tương ứng liên quan đến vấn đề lợi ích.

TBKTSG: Vậy, có cách nào để khắc phục tình trạng này, thưa ông?

– Theo tôi, về lâu dài phải làm cho thiết chế mạnh lên, tuy nhiên điều này cũng rất khó bởi thiết chế do chính con người trong bộ máy tạo ra. Cho nên, có một cách khác là dân chủ hóa, công khai và minh bạch hóa quy trình xây dựng quy hoạch. Ngoài ra, bởi quy hoạch sẽ là một công cụ pháp lý được các cơ quan nhà nước ưa dùng, do đó, để tránh sự lạm dụng thì cần thu hẹp đối tượng của quy hoạch, giảm số lượng các loại quy hoạch, tích hợp nó theo hướng đa và liên ngành, đồng thời ban hành hệ thống các tiêu chuẩn hành xử kèm theo cho mọi đối tượng.

TBKTSG: Theo ông, việc ban hành một đạo luật về vấn đề quy hoạch hiện nay cần được nhìn nhận theo cách nào?

– Khi làm luật về quy hoạch, điều quan trọng không phải là thảo luận quy hoạch là gì nữa, mà coi nó là công cụ pháp lý, tức có giá trị cưỡng chế thi hành với người dân, cho nên cần trả lời những câu hỏi quan trọng như: Ai có thẩm quyền ban hành quy hoạch? Quy trình xây dựng có dân chủ để bảo đảm quyền tham gia của người dân không? Và một khi nó tác động gây thiệt hại đến đời sống của người dân và các quan hệ thị trường thì cần phải xử lý như thế nào?

Nhà nước đương nhiên có thẩm quyền và trách nhiệm ban hành quy hoạch với tư cách là nhà quản trị quốc gia, nhất là trong điều kiện Nhà nước Việt Nam còn là chủ sở hữu đại diện về đất đai. Điều này có ý nghĩa thực tế bởi mọi thứ hữu hình đều tồn tại trên đất. Cần phân định rõ thẩm quyền của trung ương và địa phương hơn nữa để tránh chồng chéo và lạm quyền như thời gian qua. Người dân, các tổ chức xã hội, các nhà chuyên môn cần được tham gia vào hơn nữa vào quá trình quy hoạch bởi nhiều quy hoạch vừa qua vừa độc đoán lại vừa không phù hợp với sự vận động khách quan của đời sống.

Luật Quy hoạch chỉ nên tập trung vào quy hoạch sử dụng không gian và đất đai. Ảnh: MAI LƯƠNG

Ngoài ra, cũng vẫn phải nói đến đối tượng của quy hoạch là gì, bởi xem ra các nhà lập chính sách vẫn còn khá nặng tư tưởng áp đặt chủ quan và bao cấp của thời kinh tế kế hoạch hóa. Trong nền kinh tế thị trường, cần loại bỏ hoặc hạn chế tối đa cái gọi là quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Bởi nguồn lực phát triển đến từ người dân, còn sự dẫn dắt nó đến từ thị trường. Cho nên, nếu Nhà nước vẫn muốn quy hoạch đời sống phát triển thì đó là sự áp đặt, duy ý chí và phi thực tế. Thay vào đó, hãy làm một loại quy hoạch thôi, đó là quy hoạch về phân bố không gian và sử dụng đất đai. Điều này cả người dân lẫn thị trường không thể làm được. Đất đai lại có giới hạn cho nên cần phải được quy hoạch sử dụng một cách thống nhất và đồng bộ trên toàn lãnh thổ quốc gia, bảo đảm tính hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả cho hiện tại và tương lai.

TBKTSG: Cho đến nay, vẫn có khá nhiều ý kiến băn khoăn về dự thảo Luật Quy hoạch, thưa ông…?

– Sự kém phối hợp trong công tác giữa các bộ, ngành hiện nay thuộc đối tượng của cải cách hành chính và cần được giải quyết tổng thể, bởi nó liên quan đến tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước chứ không riêng gì công tác quy hoạch. Để có một sự cải cách thật sự trong công tác quy hoạch thì theo tôi cần xác định lại vai trò và chức năng của Chính phủ hay chính quyền nói chung. Tại sao? Bởi chính quyền can thiệp chủ động vào đời sống kinh tế- xã hội thông qua biện pháp chính sách, các loại giấy phép và quy hoạch. Vừa qua, khi tăng cường thiết chế thị trường, mở rộng quyền tự do của người dân và thực hiện cải cách thủ tục hành chính đã dẫn đến giảm thiểu các loại giấy phép của chính quyền. Tuy nhiên, đồng thời với nó là xu hướng tăng dần sự kiểm soát bằng quy hoạch, thậm chí đã biến quy hoạch từ công cụ điều hành vĩ mô chiến lược trở thành các biện pháp hành chính, thông qua các quy hoạch quá chi tiết và sự điều chỉnh nó một cách liên tục, thậm chí tùy tiện. Đó là tình trạng tiêu cực đáng lo ngại nhất.

Chúng ta đã tuyên ngôn về một chính phủ kiến tạo, phục vụ, có nghĩa rằng Nhà nước sẽ tiếp tục can thiệp nhưng cho mục tiêu vì lợi ích phát triển xã hội và cho người dân, hơn là để kiểm soát và cai trị. Vậy thì cần thay đổi mục tiêu và đối tượng của quy hoạch với quan điểm rằng phát triển là công việc của thị trường và người dân, Nhà nước chỉ kiểm soát việc sử dụng các nguồn lực có sẵn, bao gồm sử dụng đất đai và tài nguyên thiên nhiên để phục vụ phát triển. Theo định hướng đó, mô hình thành lập các hội đồng quy hoạch ở cấp trung ương và địa phương, tinh gọn và ít tốn kém, thay cho việc lập quy hoạch theo từng ngành riêng rẽ sẽ là phù hợp.

TBKTSG: Có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật Quy hoạch hiện nay đang cố gắng “thâu tóm” các luật hiện hành đang đi vào cuộc sống, đó là một điều… không tưởng và vượt quá năng lực của một cơ quan quy hoạch chung. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

– Tôi e rằng có sự nhầm lẫn giữa công tác lập quy hoạch và thẩm quyền ban hành và thực thi quy hoạch. Xây dựng quy hoạch là công việc chuyên môn của các chuyên gia và nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó, việc khai thác các năng lực dự báo của họ đóng vai trò quan trọng nhất. Hoàn toàn không giống với trước kia khi quy hoạch là đặc quyền chính trị và chịu sự áp đặt từ trên xuống. Do đó, có thể nói các bộ, ngành khi bận rộn với chức năng chính là quản lý hành chính trong lĩnh vực phụ trách thì rất khó có khả năng tốt để làm quy hoạch.

Việc ban hành quy hoạch lại thuộc phạm trù khác, bởi khi đó cần có cơ quan nhà nước có thẩm quyền để chuyển tải các quy hoạch thành công cụ pháp luật để quản lý. Cũng từ góc độ pháp luật, cần hiểu rằng quy hoạch, một khi đã được thông qua, sẽ ràng buộc tất cả các chủ thể liên quan, từ cơ quan quản lý nhà nước đến các tổ chức kinh tế và người dân. Do đó, việc tránh cho các cơ quan bộ, ngành riêng rẽ xây dựng và ban hành quy hoạch chính là một nguyên lý chung nhằm tránh xung đột về lợi ích, đồng thời bảo đảm trật tự, kỷ cương của Nhà nước và xã hội.

Lương Phong/Thời báo Kinh tế Sài Gòn


Nguồn Tạp chí kiến trúc Việt Nam
Xây dựng Luật Quy hoạch: Cải cách thể chế hay đơn thuần cải tiến kỹ thuật? Xây dựng Luật Quy hoạch: Cải cách thể chế hay đơn thuần cải tiến kỹ thuật?
910 1

Bài viết Xây dựng Luật Quy hoạch: Cải cách thể chế hay đơn thuần cải tiến kỹ thuật?

Chia sẻ bài viết

Cùng Chuyên Mục

Previous
Next Post »