Hà Nội đang triển khai quy hoạch sông Hồng, tuy nhiên đây không phải lần đầu công việc này được thực hiện. Trong các năm 1994 và 2006, phía Singapore và TP Seoul (Hàn Quốc) đã có các đề xuất liên quan với quy mô khác nhau.
Quy hoạch sông Hồng gần đây nhất được lãnh đạo Hà Nội nêu ra với với yêu cầu nghiên cứu lập đồ án dọc hai bên sông theo hướng đảm bảo phòng chống lũ, tạo lập một đô thị hiện đại, khai thác hiệu quả quỹ đất…
Theo một lãnh đạo UBND thành phố, năm 2016, hưởng ứng lời kêu gọi đóng góp cho Thủ đô phát triển, có 3 doanh nghiệp tự nguyện đóng góp kinh phí nghiên cứu quy hoạch hai bờ sông Hồng, “không phải do Hà Nội thiếu kinh phí lập quy hoạch”.
Đồ án này sẽ được các cơ quan chuyên môn và lãnh đạo thành phố đánh giá kỹ lưỡng, nếu không khả thi, thành phố không phải hoàn trả chi phí mà doanh nghiệp đã nghiên cứu.
Hà Nội đã quy hoạch 8 cầu, hầm qua sông Hồng. Ảnh: Giang Huy
Quy hoạch được nghiên cứu theo 2 phương án. Một là xây dựng đường và đê kết hợp đảm bảo khai thác quỹ đất phát triển đô thị, giữ an toàn nội đô (chống lũ trên báo động 3), thay thế cho tuyến đê hiện tại.
Hai là quy hoạch xây dựng đường và đê kết hợp đảm bảo chống lũ báo động 2; bên cạnh đó, quy hoạch xây dựng hệ thống hồ, kênh thu nước, phục vụ tiêu thoát nước hỗ trợ tuyến đê phía trong (đê hiện tại) đảm bảo chống lũ trên báo động 3.
Việc nghiên cứu được phân làm 2 giai đoạn, đầu tiên là lập quy hoạch hai bên sông Hồng từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì; sau đó sẽ làm khu vực còn lại.
Dự kiến, đồ án quy hoạch sẽ được lấy ý kiến các bộ ngành, chuyên gia trước 30/7, sau đó sẽ trình Thường trực Thành ủy Hà Nội và Thủ tướng xem xét quyết định.
Dự án Trấn Sông Hồng
Năm 1994, dự án Trấn Sông Hồng được nhà đầu tư Singapore đề xuất xây dựng tại một mảnh đất ngoài đê khu vực An Dương, tổng vốn đầu tư dự kiến khi đó là 240 tỷ đồng.
Theo thỏa thuận với UBND thành phố Hà Nội lúc đó, phía Singapore đã thiết kế một khu dân cư hiện đại với các cao ốc là một quần thể gồm nhà ở, văn phòng thương mại, khách sạn, khu vui chơi và sinh hoạt cộng đồng nhằm giúp Hà Nội có một tiểu khu như ở đảo quốc sư tử.
Hà Nội cũng đã lập ban quản lý dự án. Tuy nhiên, do có một số vướng mắc, đặc biệt là vấn đề trị thủy nên dự án chưa triển khai được.
Đồ án quy hoạch thành phố hai bên sông Hồng
Giữa năm 2006, lãnh đạo TP Hà Nội và thị trưởng thành phố Seoul (Hàn Quốc) đã ký thỏa thuận hợp tác quy hoạch, cải tạo và phát triển hai bên bờ sông Hồng, đoạn chảy qua Hà Nội.
Theo đó, thành phố Seoul sẽ cử chuyên gia hỗ trợ Hà Nội xây dựng phương án quy hoạch, cải tạo và khai thác hai bên bờ sông Hồng, bao gồm việc trị thủy, khai thác sử dụng đất và bố trí tái định cư cho người dân. Chi phí nghiên cứu khoảng 5 triệu USD, trong đó thành phố Seoul đảm nhận 90% kinh phí.
Năm 2007, đồ án quy hoạch thành phố hai bên sông Hồng chính thức được giới thiệu đến công chúng Thủ đô. Theo đề xuất của quy hoạch, tuyến đê hai bên bờ sông Hồng sẽ được củng cố, nâng cao khả năng chống lũ, đây cũng là các trục giao thông lớn dọc bờ sông. Tuyến vận tải thuỷ trên sông được cải tạo, kết hợp chặt chẽ với hệ thống giao thông đường bộ.
Phối cảnh dự án thành phố bên sông do các chuyên gia Hàn Quốc lập năm 2006. Ảnh: Đ.Loan
Theo tính toán của đơn vị tư vấn, dự án thành phố bên sông Hồng chia theo 4 khu vực, với tổng diện tích 1.500 ha. Trong đó, khu vực một, từ điểm cuối dự án (Chèm) đến cầu Thăng Long; khu vực 2 từ cầu Thăng Long đến cầu Chương Dương; khu vực 3 từ cầu Chương Dương đến gần cầu Thanh Trì; khu vực 4 từ cầu Thanh Trì đến Bát Tràng.
Quy hoạch định hướng khu vực ven sông Hồng đoạn qua Hà Nội trong tương lai sẽ là nơi ở của 97.000 hộ dân, chiếm 50% diện tích. Diện tích còn lại sẽ dành cho các công trình công cộng và khu thương mại dịch vụ.
Dự án thành phố bên sông được dự kiến có tổng vốn đầu tư hơn 7,1 tỷ USD, triển khai từ năm 2008 đến năm 2020. Trong đó, xây dựng các công trình là 1,92 tỷ USD, bồi thường tái định cư là 1,5 tỷ USD. Trên 50% số vốn còn lại là xây dựng các tòa nhà chung cư cao từ 30 – 40 tầng, khách sạn 5 sao, khu phức hợp quốc tế công nghệ, tài chính, chứng khoán…
Sau nhiều lần hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia, đến năm 2008, dự án quy hoạch thành phố bên sông Hồng bất ngờ bị dừng triển khai.
Ông Tô Anh Tuấn, Nguyên giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, cho biết thời điểm đó, Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính nên lãnh đạo thành phố yêu cầu phía Hàn Quốc thay đổi phạm vi nghiên cứu hơn 100 km sông Hồng qua Hà Nội, thay vì khoảng 40 km như trước, việc này gây tăng kinh phí nghiên cứu của phía Hàn Quốc. Cùng với đó, các nhà quản lý đã thiếu quyết tâm nên dự án đã dang dở.
Một lý do khác, theo ông Tô Anh Tuấn, khi nghiên cứu quy hoạch, phía Hàn Quốc đã đưa ra các biện pháp trị thủy sông Hồng, tuy nhiên đây là vấn đề rất khó khăn nên các chuyên gia có nhiều ý kiến trái chiều.
Đến năm 2015, việc nghiên cứu quy hoạch hai bên bờ sông Hồng được khởi động lại. UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật “Chiến lược phát triển quy hoạch đô thị hai bên bờ sông Hồng tại Hà Nội, đoạn từ cầu Thăng Long đến cầu Long Biên” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ.
Quy mô nghiên cứu dự án này khoảng 3.000 ha (trong phạm vi hai tuyến đê tả và đê hữu sông Hồng hiện có) với chiều dài khoảng 11 km dọc sông. Các nội dung nghiên cứu chính gồm: xem xét các quy hoạch phát triển đô thị của Hà Nội; điều tra hiện trạng; đề xuất chính sách cho sự phát triển đô thị khu vực hai bên sông tại khu vực nghiên cứu, định hướng quy hoạch cảnh quan…
Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt năm 2011, khu vực hai bên Sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, là nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn để tổ chức những sự kiện có ý nghĩa của Thủ đô.
Trên dọc tuyến sông Hồng, phần đất đoạn tuyến đi qua Tứ Liên không xây dựng công trình cao tầng làm ảnh hưởng tới trục không gian cảnh quan kết nối Hồ Tây – Cổ Loa. Quyết định của Thủ tướng cũng yêu cầu việc quy hoạch mới cần khai thác, kế thừa quy hoạch cơ bản sông Hồng đoạn qua Hà Nội (đã được Thành phố Hà Nội tổ chức nghiên cứu) tiếp tục nghiên cứu phát triển đồng bộ hai bên đoạn tuyến chảy qua thành phố, trục không gian cảnh quan văn hóa – đô thị Hồ Tây – Cổ Loa. |
Nguồn Tạp chí kiến trúc Việt Nam
EmoticonEmoticon