Thủ tướng phân định chuyện các Bộ trưởng “nói ngược”

10:28

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chưa hài lòng khi Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà “nói ngược” quan điểm trong phương án trình dự luật Quy hoạch của Chính phủ. Mâu thuẫn quan điểm về việc xây dựng dự luật này cũng đã nhiều lần được nêu lên. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lên tiếng chỉ đạo “chỉnh” lại các vấn đề…

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến chỉ đạo về việc chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật Quy hoạch.

Trước hết, Thủ tướng đồng ý với các nội dung đã chỉnh lý để đưa ra xin ý kiến UB Thường vụ Quốc hội trong lần thảo luận gần đây nhất (ngày 17/3/2017, trong khuôn khổ phiên họp thứ 8 của cơ quan thường trực Quốc hội) về khái niệm tích hợp quy hoạch, danh mục các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch sử dụng biển quốc gia. Riêng nội dung điều khoản về quy hoạch bảo vệ, phát triển và sử dụng hải sản quốc gia, Thủ tướng yêu cầu chỉnh thành quy hoạch quản lý và khai thác nguồn lợi thuỷ sản cấp quốc gia.

Về quy hoạch sử dụng đất, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đảm bảo các nội dung chỉnh lý dự thảo luật thực hiện theo hướng kế thừa, tích hợp đầy đủ nội dung, quy định về quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện như quy định của luật Đất đai, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả trong quản lý đất đai…

Vấn đề thẩm quyền lập quy hoạch sử dụng đất (vấn đề đang gây phản ứng khi phần nhiệm vụ đang thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) chuyển sang cho Bộ KH-ĐT), Thủ tướng chỉ đạo bổ sung quy định Bộ TN-MT là thường trực Hội đồng thẩm định quy hoạch sử dụng đất an ninh cấp quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng cấp quốc gia. Thủ tướng cũng xác định Bộ TN-MT phải là cơ quan tham gia Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh.

Về quy hoạch xây dựng, Thủ tướng chỉ đạo giải trình các nội dung chỉnh lý dự thảo luật mà Bộ KH-ĐT chủ trì soạn thảo theo hướng kế thừa, tích hợp đồng bộ nội dung quy hoạch xây dựng vùng vào Quy hoạch vùng, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện vào quy hoạch tỉnh.

Việc lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện quy hoạch xây dựng vùng cũng được ấn định phải thực hiện theo quy định của luật Xây dựng và pháp luật về xây dựng khác có liên quan. Quy định về việc quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn được yêu cầu bổ sung điều khoản quy định “thực hiện theo pháp luật về xây dựng, pháp luật về quy hoạch đô thị”.

Trong văn bản chỉ đạo, Thủ tướng cũng lưu ý Bộ KH-ĐT về công tác chuẩn bị các điều kiện để thi hành luật Quy hoạch sau khi Quốc hội thông qua. Theo đó, Bộ này phải chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan, chủ động xây dựng dự thảo Nghị quyết triển khai thi hành luật. Các Bộ, ngành được lưu ý chủ động rà soát, đề nghị xây dựng, sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan.

Trước đó, một khó khăn lớn được chỉ ra, luật Quy hoạch lần này, nếu được Quốc hội thông qua, hàng loạt đạo luật hiện hành khác sẽ phải sửa theo, kể cả những luật vừa tiến hành sửa đổi thời gian gần đây.

Dự luật “long đong” này đã nhiều lần phải nâng lên đặt xuống, đưa vào rồi lại rút ra khỏi chương trình xây dựng luật pháp lệnh của Quốc hội từ khoá trước. Đến Quốc hội khoá này, dù đã được trình xin ý kiến lần đầu nhưng từ việc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, “sóng gió” vẫn tiếp tục tại những phiên thảo luận căng như dây đàn ở cả Chính phủ và UB Thường vụ Quốc hội.

Sau phiên họp thứ 7 của Thường vụ hồi tháng trước, khi các Thứ trưởngc của hàng loạt Bộ, ngành đứng dậy “nói ngược” với những nội dung như trên, UB Thường vụ Quốc hội đã phải chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra luật – UB Kinh tế tổ chức làm việc riêng với 8 Bộ. Đó là các Bộ Xây dựng, Bộ TN-MT, Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin-Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương.

Khi đó, dù Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng tỏ ra đặc biệt bức xúc vì chuyện đại diện các Bộ “nói ngược” với quan điểm của Chính phủ nhưng các lãnh đạo Quốc hội cũng nhìn nhận, đó là hành động có trách nhiệm của Bộ ngành, bởi “chưa an tâm mới phải làm vậy”.

Vì sao hết Thứ trưởng tới Bộ trưởng phải “nói ngược”?

Hai Bộ trưởng Xây dựng (trái) và KH-ĐT nêu quan điểm trước UB Thường vụ Quốc hội.
Hai Bộ trưởng Xây dựng (trái) và KH-ĐT nêu quan điểm trước UB Thường vụ Quốc hội.

Và tại buổi họp chiều 17/3 vừa qua, một lần nữa, phiên thảo luận về dự án luật Quy hoạch lại gây sóng tại UB Thường vụ Quốc hội.

Thông tin đầu tiên nêu ra tại phiên họp, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, buổi sáng cùng ngày, Chính phủ đã thống nhất lần cuối về các vấn đề cần chỉnh sửa dư luật, hầu hết các bộ, ngành đã thống nhất, như việc đổi quy định “quy hoạch không gian biển” thành “quy hoạch sử dụng biển” quốc gia để phù hợp với luật Biển, luật Tài nguyên môi trưởng biển và hải đảo hiện hành.

Bộ trưởng Dũng giải thích, dù “quy hoạch không gian biển” mới là hướng thuận theo thông lệ quốc tế nhưng vì sợ ảnh hưởng đến 2 luật kia nên Chính phủ đã nhất trí hướng chỉnh dự luật theo 2 luật hiện hành.

Tranh luận nổ ra khi Bộ trưởng KH-ĐT giải thích về quy định “quy hoạch xây dựng”. Hiện tại, luật Xây dựng có quy định về 4 loại quy hoạch xây dựng, nay luật này chỉ giữ lại 2 loại, quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh và liên huyện.

Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà băn khoăn: “Luật này không còn khái niệm về quy hoạch xây dựng nhưng trong các điều khoản quy định về quy hoạch vùng lại nói về quy hoạch xây dựng vùng, lập quy hoạch xây dựng vùng. Khái niệm không có nhưng nội hàm lại đề cập nên các quy định có mâu thuẫn, chưa rõ ràng”.

Bộ trưởng Hà giải thích thêm, luật Xây dựng hiện hành nêu rõ 4 loạt quy hoạch xây dựng, trong đó có quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch xây dựng vùng là có hàm ý vì đô thị chính là cực tăng trưởng của vùng, là điểm thu hút, lan toả phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng với vùng xung quanh.

“Nếu không xử lý việc phân định này sẽ gây tình trạng cát cứ trong quản lý. Ví dụ, thực tế Việt Nam có quy hoạch chung xây dựng thủ đô, còn đô thị lớn loại 1 thì sẽ là quy hoạch xây dựng vùng. Thế giới cũng có các loại quy hoạch như vậy. Ý tưởng soạn thảo là tích hợp các loại quy hoạch chung nhưng thực tiễn lâu nay, khi xây dựng quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội là đã có sự tích hợp đó rồi. Chưa làm rõ hướng tích hợp như thế nào sẽ rất khó thực hiện mà để giải quyết vấn đề này, phải mất chí ít 7-8 năm nữa” – Bộ trưởng Xây dựng nêu ý kiến.

“Tờ trình Chính phủ có rồi sao ông cứ nói ngược” – Bộ trưởng KH-ĐT đáp lại, đầy bức xúc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc hiển băn khoăn, lần nào thảo luận về luật này cũng có ý kiến chứng tỏ chưa thể yên tâm. Quy định chuyển tiếp thực hiện luật này có 3 nhóm vấn đề chưa phù hợp, chưa kể phải sửa một số luật mà tính ra có thể phải 7 năm mới xong được chứ không thể chỉ ngày một, ngày hai.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cũng lo ngại vì luật Quy hoạch này dự kiến có hiệu lực từ đầu năm 2019 nhưng thực tế có liên quan đến 32 luật khác, có kịp sửa chữa, thông qua khối lượng lớn như vậy Xác định có đến 18 trong số 32 luật sẽ phải sửa này liên quan đến phần của UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường, Chủ nhiệm UB này cũng nhận định, rất khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ này.

Bộ trưởng KH-ĐT nói lại: “Nghe sửa 32 luật thì thấy nhiều nhưng thực tế, nhiều luật sửa chỉ cần bỏ đi 2 chữ “quy hoạch”, rất đơn giản”.

Dự luật được lãnh đạo Quốc hội yêu cầu tiếp tục tiếp thu để giải trình, những vấn đề còn ý kiến khác nhau cần đưa ra xin ý kiến tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ diễn ra vào tháng tới.

P.Thảo/ Dân trí


Nguồn Tạp chí kiến trúc Việt Nam
Thủ tướng phân định chuyện các Bộ trưởng “nói ngược” Thủ tướng phân định chuyện các Bộ trưởng “nói ngược”
910 1

Bài viết Thủ tướng phân định chuyện các Bộ trưởng “nói ngược”

Chia sẻ bài viết

Cùng Chuyên Mục

Previous
Next Post »