TP Hồ Chí Minh đang đứng trước cơ hội phát triển mới, đầy năng động khi Chính phủ đã đồng ý cho thành phố thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để tạo sự phát triển đột phá nhằm thay đổi diện mạo đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Dồn sức chỉnh trang đô thị
Trong nhiều năm xây dựng, chỉnh trang, phát triển đô thị, thành phố đã đạt được nhiều thành tựu lớn, thể hiện qua việc nhiều đô thị, giao thông, kiến trúc hiện đại đã được xây dựng, hệ thống hạ tầng ngày càng được tăng cường và hiện đại hóa. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, thành phố đang phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức mới như việc mất kiểm soát trong tăng dân số cơ học, phát triển hạ tầng chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế và dân số, ô nhiễm môi trường, lấn chiếm kênh rạch, biến đổi khí hậu. Do vậy, muốn đột phá, thay đổi diện mạo đô thị để đáp ứng với mục tiêu văn minh, hiện đại thì thành phố cần được áp dụng cơ chế đặc thù, nhất là trong lĩnh vực tài chính để nhanh chóng hoàn thành mục tiêu xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị. Thể hiện quyết tâm này, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 10, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã thông qua Chương trình đột phá thứ bảy về “Chỉnh trang và phát triển đô thị. Mục tiêu của chương trình là tập trung nguồn lực đầu tư để chỉnh trang và phát triển đô thị. Phấn đấu đến năm 2020, di dời và tổ chức lại cuộc sống cho 20 nghìn hộ dân đang sống trên và ven các kênh rạch. Cùng với đó là xây mới, cải tạo 50% số chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975”. Hiện nay, ngoài việc kiến nghị Trung ương những chính sách đặc thù để phát triển, thành phố cũng tự vận động bằng cách tập trung cao nhất mọi nguồn lực của xã hội để thực hiện bằng được hai mục tiêu di dời nhà ven kênh rạch và chống ùn tắc giao thông.
Đối với việc di dời nhà ven kênh, rạch, thành phố đã thành lập hẳn Ban chỉ đạo do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố phụ trách để trực tiếp xử lý nhanh chóng mọi vấn đề khúc mắc. Theo thống kê, chỉ riêng trên địa bàn quận 8 vẫn còn khoảng 9.503 căn nhà ven và trên kênh rạch, chiếm 45,7% tổng số nhà trên và ven kênh rạch trên toàn địa bàn thành phố (tập trung chủ yếu dọc tuyến kênh Tàu Hủ – Lò Gốm, kênh Đôi). Để di dời và tái định cư, tổ chức lại cuộc sống cho các hộ dân, thành phố cần một nguồn kinh phí rất lớn mà nếu không xã hội hóa thì nguồn ngân sách nhà nước khó có thể thực hiện được. Đơn cử, theo tính toán của một nhà đầu tư, khu vực kênh Đôi có 5.352 hộ dân, với khoảng 32 nghìn nhân khẩu; trong đó riêng phía bờ nam kênh Đôi có 4.392 hộ, với 26.352 nhân khẩu (chiếm 82% khu vực kênh Đôi). Trong số này, có khoảng 60% số hộ dân có nhu cầu cần được bố trí tái định cư; 40% số hộ dân có nhu cầu nhận tiền bồi thường, hỗ trợ để tự lo nơi ở mới. Do vậy, tổng mức đầu tư dự kiến vào dự án là hơn 9.232 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 4.600 tỷ đồng, vốn đầu tư cho dự án chỉnh trang đô thị (sau giải tỏa, di dời nhà cửa) cũng hơn 4.600 tỷ đồng. Bài toán đặt ra là, với chi phí lớn như vậy, cộng thêm những thủ tục hành chính hiện nay thì rất khó có nhà đầu tư nào mặn mà tham gia cùng thành phố trong chương trình chỉnh trang đô thị. Một lãnh đạo của UBND thành phố cho biết, chỉ khi tạo ra những cơ chế đặc biệt thì mới mong thu hút được nguồn vốn xã hội hóa.
Cần “chiếc áo” mới đủ rộng
Theo các chuyên gia kinh tế, việc ùn tắc giao thông hiện nay không chỉ gây thiệt hại cho nền kinh tế mà còn kìm hãm sự phát triển của thành phố. Do vậy, ngoài việc cải tạo chung cư cũ, di dời nhà ở trên và ven kênh rạch, thành phố cũng cần những cơ chế đặc thù về vốn để đầu tư nhanh và gấp những công trình giao thông trọng điểm. Những cơ chế đặc thù mà thành phố xin và đã được Chính phủ đồng thuận về mặt chủ trương, đó là: thành phố được chỉ định thầu đối với một số công trình cấp bách. Đối với dự án hợp tác công tư (PPP) cho phép được quyền quyết định nhà đầu tư đối với 23 dự án. Thành phố cũng đề xuất một số cơ chế về phụ thu, thu phí, đồng thời kiến nghị cho giữ lại 100% chi phí xử phạt (khoảng 300 tỷ đồng/năm) nhằm trang bị các trang thiết bị cho các đơn vị phục vụ tuần tra, xử lý. Ngoài ra, thành phố cũng kiến nghị bổ sung cần thay thế phà Cát Lái (nối quận 2 với tỉnh Đồng Nai) và đường song song quốc lộ 50 trong quy hoạch phát triển giao thông đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 để thành phố chủ động giảm tình trạng kẹt xe tại các cửa ngõ.
Để thực hiện những giải pháp này, thành phố đã và đang tiến hành thực hiện xây dựng các công trình giảm ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, giảm ùn tắc khu vực cảng Cát Lái và 48 công trình khác ở khu vực trung tâm. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang đẩy nhanh tiến độ di dời các bến xe Miền Đông, Miền Tây; nghiên cứu vấn đề lệch ca, lệch giờ cũng như kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép xây dựng các cao ốc… Theo tính toán chỉ sau hai năm, khi các công trình này đi vào hoạt động, tình trạng ùn tắc giao thông tại thành phố sẽ giảm đáng kể, qua đó tạo đòn bẩy để thành phố thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp đúng như những mục tiêu đã đề ra.
Theo các chuyên gia kinh tế, TP Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế, là một trong những địa phương năng động nhất của cả nước. Nhưng cơ chế và chính sách hiện hành đang là “chiếc áo” quá chật, hơn lúc nào hết, thành phố cần phải thay “chiếc áo” cũ bằng “chiếc áo” mới đủ rộng để phát triển. “Chiếc áo” mới sẽ tạo sự chủ động, đồng thời tăng trách nhiệm cho chính quyền thành phố trong quản lý ngân sách; đáp ứng yêu cầu đổi mới cơ chế kinh tế phù hợp đầu tàu kinh tế của cả nước; tạo động lực phát triển các nguồn lực, đáp ứng yêu cầu quản lý đô thị văn minh, hiện đại. Đây cũng được xem là cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng để thành phố tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu, là động lực dẫn dắt nền kinh tế, là nguồn thu chính của ngân khố quốc gia, là địa phương có sức thu hút và sức lan tỏa lớn đối với vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Theo báo Nhân dân điện tử
Nguồn Tạp chí kiến trúc Việt Nam
EmoticonEmoticon