Hầu như không có điều, khoản nào cụ thể
Ba dự luật trình QH xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau trong tuần làm việc đầu tiên, gồm: Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015; và dự án Luật Quy hoạch. Xét về sự cần thiết, hầu hết các ĐBQH đều khẳng định QH cần khẩn trương xem xét thông qua 3 đạo luật. Song sự băn khoăn, lo ngại xuất hiện khi đi vào nội dung cụ thể của từng điều luật.
Với dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều ĐBQH thẳng thắn, về mục tiêu đặt ra là cần có một đạo luật để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, có vẻ chúng ta “sắp sửa hoàn thành”. Theo đúng chương trình, dự án Luật sẽ được QH xem xét thông qua vào cuối Kỳ họp này. Nhưng để Luật này đi vào cuộc sống và thực sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì e rằng chưa đạt được. Bởi lẽ, các quy định trong bản dự thảo trình QH đầu tuần qua (36 điều thể hiện trong 16 trang A4), còn quá chung chung, và “hầu như không có điều, khoản nào cụ thể”. “Đành rằng Luật mang tính nguyên tắc, sẽ được tiếp tục triển khai bằng các luật chuyên ngành, các nghị định nhưng nếu quả thực như vậy thì có cần thiết ban hành luật không, hay sẽ lồng ghép khi sửa các luật về thuế, hoặc chỉnh sửa các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ?” – câu hỏi của ĐBQH Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ).
ĐBQH Ma Thị Thúy phát biểu tại hội trường | Ảnh: Quang Khánh |
Để hỗ trợ doanh nghiệp, điều quan trọng nhất chính là thể chế và nguồn lực. Tuy nhiên, theo dự thảo luật, thì cả hai vấn đề được xác định là “quan trọng nhất” này đều trong trạng thái “chờ” Chính phủ hướng dẫn, hoặc “chờ” sửa các luật về thuế. Chính vì quy định chung chung, mang tính nguyên tắc, nên kể cả khi Luật này đã ban hành ra, thì các thông tư, nghị định hiện hành có liên quan “buộc” phải sửa đổi theo thì các điều luật mới có thể thực hiện được (?). Rõ ràng, việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là rất cần thiết, ai cũng nhìn ra, nhưng vấn đề là hỗ trợ như thế nào để bảo đảm hiệu quả, khả thi là điều cần được cân nhắc, tính toán và lượng hóa cụ thể hơn.
2 năm hoàn thành trên 100 quy hoạch?
Cũng liên quan đến tính khả thi, nhưng với dự thảo Luật Quy hoạch, hầu hết băn khoăn của ĐBQH “đổ dồn” vào vấn đề hiệu lực thi hành.
Theo báo cáo của các cơ quan hữu quan được phân công, qua rà soát, có 32 luật cần sửa đổi, bổ sung các điều liên quan đến quy hoạch để phù hợp với dự án Luật Quy hoạch (quy định tại Phụ lục 2 của dự thảo Luật). Để bảo đảm tính khả thi, UBTVQH đã tiếp thu, chỉnh lý Khoản 1, Điều 69 của dự thảo Luật theo hướng Luật Quy hoạch sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2019. Đồng thời, các phương án xử lý đối với từng loại quy hoạch được quy định tại Điều 68. Cụ thể, trong Khoản 2, Điều 68, đến ngày 31.12.2020, sẽ hoàn thành việc xây dựng các quy hoạch theo hệ thống quy hoạch quốc gia. Nhưng vấn đề ĐBQH Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) băn khoăn là, theo Điểm c, Khoản 1, Điều 68, thì có rất nhiều quy hoạch không được tích hợp và sẽ hết hiệu lực kể từ ngày 1.1.2019. Điều này đồng nghĩa, trong khoảng thời gian 2 năm (từ 1.1.2019 – 31.12.2020), việc quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực sẽ không có quy hoạch. Cũng theo ĐB Nguyễn Văn Hiển, “trong khoảng thời gian 2 năm để hoàn thành trên 100 quy hoạch, bao gồm quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, chưa kể đến quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, là rất khó khả thi”.
Xây dựng pháp luật chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng. Đặc biệt, với những dự luật đòi hỏi nhiều kiến thức chuyên ngành sâu, thì độ khó càng tăng. Thậm chí, chỉ cần dịch chuyển một “dấu phẩy”, hoặc “thêm – bớt” một từ thôi, rất có thể điều luật đã mang một giá trị pháp lý khác. Do đó, trong quá trình thảo luận, việc có ý kiến khác nhau, thậm chí tranh luận quyết liệt giữa ĐBQH với ĐBQH, hay ĐBQH với cơ quan soạn thảo là lẽ thường tình. Dù đứng ở góc độ nào, thì những ý kiến mang tính phản biện ấy đều cần được nghiêm túc xem xét, tiếp thu, bổ sung trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật. Và dẫu phương án nào được ĐBQH biểu quyết lựa chọn thì yêu cầu về tính khả thi có lẽ vẫn phải được đặt lên hàng đầu. Vì đây là một trong những điều kiện tiên quyết để một đạo luật sau khi ban hành đi vào được cuộc sống.
Trong tuần làm việc này, QH sẽ tiếp tục cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của 7 dự án luật.
Nguồn Tạp chí kiến trúc Việt Nam
EmoticonEmoticon