Triển khai thực tế sẽ thế nào?
Vài hôm trước, ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đã nhận được email của Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Quy hoạch, giải trình cụ thể về 3 trong số các ý kiến mà đại biểu đã đề nghị làm rõ tại Kỳ họp thứ 2. Dẫu vậy, tại phiên họp toàn thể của QH sáng qua, ĐB Phạm Trọng Nhân cho biết, vẫn rất lo lắng cho tính khả thi của dự thảo Luật. Có ít nhất 2 nội dung lớn của dự thảo Luật Quy hoạch chưa được làm rõ dẫn đến việc ĐBQH cũng chưa hình dung được sẽ triển khai trong thực tế như thế nào.
Một là, có rất nhiều điều khoản thuộc thẩm quyền của QH, do QH quy định nhưng lại chưa được quy định rõ trong dự thảo luật và cũng chưa biết sẽ hướng dẫn như thế nào tại các văn bản dưới luật. Đếm sơ sơ trong dự thảo Luật đã có tới 12 điều khoản liên quan đến các nội dung rất quan trọng, giữ vai trò cốt lõi của dự luật ở trong tình trạng này. Cụ thể là, Khoản 3, Điều 23 về hướng dẫn quy hoạch tổng thể quốc gia; Khoản 3, Điều 24 về hướng dẫn quy hoạch không gian biển quốc gia; Khoản 3, Điều 25 về hướng dẫn quy hoạch sử dụng đất quốc gia; Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5, Điều 26 về hướng dẫn chi tiết các nội dung liên quan về quy hoạch ngành kết cấu hạ tầng quốc gia, về quy hoạch sử dụng tài nguyên ngành quốc gia, về quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia… Đây là những vấn đề cơ bản nhất để hình dung Luật Quy hoạch sẽ vận hành như thế nào, có khả thi hay không, có bảo đảm kịp để thực thi luật từ ngày 1.1.2019 hay không. Với một khối lượng công việc vô cùng lớn, phức tạp, gần 20.000 quy hoạch đang tồn tại phải rà soát để xóa bỏ hoặc tích hợp… – nhưng tất cả phải chờ Nghị định hướng dẫn của Chính phủ (?) Như vậy, rất khó để QH cân nhắc và quyết định thông qua, đại biểu Phạm Trọng Nhân bày tỏ.
ĐBQH Hà Thị Lan (Bắc Giang) phát biểu tại Hội trường | Ảnh: Quang Khánh |
Hai là, phương pháp tích hợp. Đây là giải pháp kỹ thuật chính, mang tính đột phá của dự thảo Luật, song các ĐBQH cũng chỉ rõ, xuyên suốt dự luật hoàn toàn không đề cập đến nội dung hướng dẫn giải pháp tích hợp. Chỉ có một nội dung duy nhất tại Điểm g, Khoản 1, Điều 16 về quy trình phối hợp lập quy hoạch có ghi “cơ quan, tổ chức lập quy hoạch tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý và hoàn chỉnh quy hoạch trình Hội đồng thẩm định quy hoạch. Hội đồng thẩm định quy hoạch có trách nhiệm thực hiện thẩm định các nội dung quy hoạch theo nhiệm vụ lập quy hoạch và đánh giá việc tích hợp các nội dung quy hoạch do các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương liên quan đã thẩm định và gửi cho tổ chức lập quy hoạch”. Nhưng đọc toàn bộ 4 khoản của Điều 16 thì vẫn hoàn toàn không biết được khi nào quy hoạch sẽ được tích hợp vào trong hệ thống và tích hợp ra sao bởi sự khác biệt rất lớn của mỗi loại quy hoạch.
Ưu việt nhưng cũng rất phức tạp
Để xử lý vấn đề tích hợp quy hoạch, dự thảo Luật đã quy định việc áp dụng công nghệ thông tin dưới dạng hệ thống dữ liệu địa lý về quy hoạch trong công tác lập quy hoạch. Phương pháp này bao gồm tập hợp hệ thống phần cứng, phần mềm máy tính, dữ liệu địa lý và con người được nắm bắt, lưu trữ, cập nhật, điều khiển, phân tích, và hiển thị tất cả các dạng thông tin liên quan trên theo nhiều lớp dạng 3D để thể hiện nội dung quy hoạch được tích hợp. Đây là phương pháp tiên tiến, hiện đại và có nhiều điểm ưu việt. Nhưng ngay cả như vậy thì việc thực hiện tích hợp cũng vô cùng phức tạp. Bởi lẽ, danh mục các loại quy hoạch không chỉ là một hay hai loại mà chỉ riêng hệ thống quy hoạch cấp quốc gia theo quy định ngay trong dự thảo Luật này đã bao gồm rất nhiều loại: Từ quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến quy hoạch ngành quốc gia. Chưa kể quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn cũng là các “phân hệ con”, chi tiết của các quy hoạch cấp trên thì quản lý như thế nào trên hệ thống?
Đơn cử như quy hoạch ngành quốc gia, nếu theo phương pháp tích hợp thì có đến 38 “lớp” thuộc 38 danh mục quy hoạch ngành quốc gia của 3 lĩnh vực được nêu trong dự thảo Luật gồm ngành kết cấu hạ tầng quốc gia, ngành sử dụng tài nguyên quốc gia và bảo vệ môi trường quốc gia. Liệu có một thuật toán, phần mềm hay giải pháp nào kết nối được 38 danh mục này về cùng một hệ quy chiếu để thực hiện các kỹ thuật chia sẻ dữ liệu từ dữ liệu trung tâm quốc gia; đồng thời, xây dựng được các giải pháp kiểm tra sự chồng chéo, chồng lấn của quy hoạch trước với quy hoạch sau hay không?
Đó là chưa kể, quy định về hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia tại Điều 41, theo đánh giá của các ĐBQH cũng khó có thể đáp ứng được nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. ĐB Hà Thị Lan (Bắc Giang) nêu rõ, theo quy định này thì sẽ vẫn tiếp tục duy trì hệ thống thông tin phân tán do các bộ, ngành, địa phương xây dựng, quản lý và cung cấp. Như vậy, tình trạng chậm trễ, thiếu khách quan trong việc cung cấp thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia cũng sẽ khó mà khắc phục được.
27 ĐBQH phát biểu trên hội trường trong tổng số gần 500 ĐBQH có thể chưa phản ánh đầy đủ ý kiến, sự đánh giá của các nhà lập pháp về tính khả thi của dự thảo Luật Quy hoạch. Nhưng từ những băn khoăn, e ngại rất chính đáng này, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đã yêu cầu cơ quan soạn thảo, cơ quan tiếp thu, chỉnh lý phải tiếp tục ngồi lại với nhau để giải trình thuyết phục hơn, bảo đảm tính khoa học, chặt chẽ và khả thi của dự thảo Luật. Đó cũng là cơ sở để ĐBQH thực sự yên tâm khi bấm nút biểu quyết dự án Luật này.
Nguồn Tạp chí kiến trúc Việt Nam
EmoticonEmoticon