Được xây dựng hơn 100 năm trước, Đại học Sài Gòn (quận 5) nổi tiếng có kiến trúc đẹp và cổ kính nhất trong các đại học tại TP HCM.
Đại học Sài Gòn được xây dựng vào năm 1908 theo sáng kiến của ông Tạ Mã Điền với tên gọi ban đầu là trường Trung học Pháp – Hoa (tên tiếng Pháp là Lycée Franco- Chinois). Sau đó, trường được đổi là Bác Ái học viện, dành riêng cho con em Hoa kiều đang định cư tại Việt Nam theo học.
Sau năm 1975, trường trở thành Cao đẳng Sư phạm TP HCM. Năm 2007, trường chính thức được nâng cấp thành Đại học Sài Gòn và là cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc UBND TP HCM.
Tháp đồng hồ cổ là nét kiến trúc tiêu biểu của ngôi trường với sự pha trộn kiến trúc phương Tây và Trung Hoa.
Họa tiết bằng gỗ và sành sứ mang đậm lối kiến trúc Pháp – Trung Hoa trên cổng sau Đại học Sài Gòn.
Tượng sư tử bằng đá xanh gắn trên cổng tạo vẻ uy nghiêm cho ngôi trường.
Hành lang dãy phòng học được thiết kế mềm mại, đơn giản, tạo nên không gian thoáng đãng và mát mẻ.
Dãy phòng học khoa Giáo dục chính trị của trường mang dáng dấp kiến trúc biệt thự Pháp, hài hòa với tán cây xà cừ cổ thụ.
Trải qua hơn 100 năm, hệ thống cầu thang bằng gỗ, khung sắt tại các dãy phòng học còn nguyên vẹn.
Cây đa cổ thụ giữa các dãy phòng học tạo nên nét xưa cho ngôi trường.
Những ô cửa sổ dạng mái vòm tạo nét mềm mại, thơ mộng trong các phòng học.
Trường nổi tiếng với nhiều hoạt động ngoại khóa về môi trường. “Bốn năm gắn bó với mái trường, mình nhận thấy trường có kiến trúc cổ xưa và mang đậm nét kiến trúc Pháp. Ngoài ra, chương trình giảng dạy của trường rất thực tế, có ích đối với mình”, bạn Nông Tứ Linh, sinh viên năm cuối khoa Môi trường, nói.
Đại học Sài Gòn đang tổ chức đào tạo cho 30 chuyên ngành cấp độ đại học, 24 chuyên ngành cấp độ cao đẳng, 4 chuyên ngành cấp độ trung cấp thuộc các lãnh vực: kinh tế – kỹ thuật; văn hoá – xã hội; chính trị – nghệ thuật; và sư phạm.
Theo ban giám hiệu Đại học Sài Gòn, mới đây, Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục – ĐH Quốc gia Hà Nội đã chính thức trao quyết định và giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục đại học cho trường. Đây là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự phát triển, đi lên, đặc biệt trong định hướng hoạt động của nhà trường theo hướng chuẩn về giáo dục đại học.
Nguồn Tạp chí kiến trúc Việt Nam
EmoticonEmoticon