“Cây xanh, công viên, mặt nước là những thành tố quan trọng trong cấu trúc đô thị. Đó không chỉ là lá phổi xanh, là cái máy điều hòa không khí, cái máy lọc bụi, giảm tiếng ồn và khí thải… mà nó còn gắn bó thân thiết với con người, với môi trường sống và với sự phát triển của đô thị”.
Vài năm trước người Hà Nội ngẩn ngơ vì hàng xà cừ trên đường Nguyễn Trãi bị chặt hạ nhường không gian cho đương sắt trên cao…
1 Có thể khẳng định rằng, không một đô thị nào trên thế giới lại thiếu vắng màu xanh của cây cối. Ngay cả những TP được xây dựng trên sa mạc khô cằn như Las Vegas (bang Naveda – Mỹ) cũng rợp bóng cây. Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa, độ ẩm cao, thuận lợi cho cây cối phát triển, bốn mùa cây trái xanh tươi. Đó là một ưu đãi của thiên nhiên ban tặng cho dải đất hình chữ S thân yêu này.
Cây xanh, công viên, mặt nước là những thành tố quan trọng trong cấu trúc đô thị. Đó không chỉ là lá phổi xanh, là cái máy điều hòa không khí, cái máy lọc bụi, giảm tiếng ồn và khí thải… mà nó còn gắn bó thân thiết với con người, với môi trường sống và với sự phát triển của đô thị.
Ở nước ta, cây xanh trong TP lớn còn là một loại biểu tượng, là ký ức không thể dễ quên cho những ai đã từng sống ở đó, cho dù có phải đi đâu, về đâu. Nói đến Hải Phòng là nhớ về TP rợp trời hoa phượng đỏ mỗi độ tháng Năm về. Hay Sài Gòn xao xác lá me bay trong nắng gió phương Nam. Rồi Hà Nội, TP có lịch sử hơn ngàn năm tuổi với những đường phố rộng rãi, khang trang rợp mát bóng cây chạy dọc ngang theo hình ô bàn cờ được các kiến trúc sư người Pháp quy hoạch theo kiểu đô thị châu Âu vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Cái đặc sắc và lãng mạn của nghệ thuật kiến trúc cảnh quan của Hà Nội, là cây xanh được lựa chọn trồng trên mỗi đường phố, tạo nên một nét đặc trưng riêng. Như phố Lò Đúc với hai hàng cây sao đen cổ thụ cao hàng vài chục thước, một thời xao xác tiếng cò. Các phố Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng, Trần Phú, Điện Biên Phủ bốn mùa rợp mát bóng cây sấu có tuổi đời hơn nửa thế kỷ, thân to vòng tay người ôm không xuể, cứ đến mùa lại nở những chùm hoa trắng, bé li ti báo hiệu một mùa quả chua chua, giòn giòn mà bất kỳ ai đã sống ở TP này lại không ăn, không nhớ. Rồi đường Lý Thường Kiệt với hàng cây cơm nguội, phượng vĩ trồng xen kẽ để mỗi mùa thi tới lại râm ran tiếng ve và đỏ rực màu hoa đỏ. Đường Nguyễn Du đêm mùa Thu nồng nàn hương hoa sữa. Hoa bằng lăng tím đến nao lòng trên hè phố Thợ Nhuộm, hay quanh hồ Hoàn Kiếm. Những cây bàng lá đỏ dáng nghiêng nghiêng như mời chào trên hè phố Tràng Thi… Và cây xanh cũng là nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều nhạc sĩ tài danh, như Hải Phòng có Lương Vĩnh với bài hát “Thành phố Hoa phượng đỏ”. Hà Nội có Hồng Đăng với “Hoa sữa”, Phú Quang “Em ơi, Hà Nội phố”…
Cây xanh đã trở thành hồn cốt, một phần không thể thiếu của văn hóa đô thị là như thế!
2 Khoảng 20 năm trở lại đây, cùng với tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế, tốc độ đô thị hóa nhanh cùng với sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Diện mạo đô thị không ngừng thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, mà Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng là những hình ảnh tiêu biểu, sinh động.
Bây giờ, Hà Nội đã mở rộng đến hơn 3.345 ngàn km2, dân số gần 7 triệu người, là một trong 17 TP lớn nhất trên thế giới. Các khu đô thị mới, phố mới nhanh chóng hình thành bám theo các đường vành đai, các trục đại lộ mới mở, ngày ngày đông nghịt người xe ra vào trung tâm TP. Sự phát triển nhanh thậm chí có phần nóng vội đã đem đến một sự tương phản sâu sắc giữa hình thái kiến trúc của đô thị trung tâm (TP cũ) với phần mở rộng (các khu đô thị mới, đường phố mới). Nếu như ở khu vực trung tâm nội đô, về cơ bản vẫn là hệ thống đường phố cũ, hầu hết xây dựng từ đầu thế kỷ XX rộng 10 – 15m với hàng vạn cây xanh có tuổi đời từ vài mươi năm đến gần thế kỷ. Còn ở khu vực phát triển tính từ vành đai 2 trở ra là những khu đô thị mới, đường phố mới rộng hàng vài chục mét, với hàng ngàn tòa nhà cao 20 – 30 – 40 tầng kiến trúc hiện đại được xây dựng bằng công nghệ tiên tiến và vật liệu mới. Thế nhưng, chính tại những nơi được coi là hình ảnh lãng mạn của kiến trúc đô thị thời mở cửa lại rất thiếu cây xanh, mặt nước, không gian công cộng… Vừa mới đây để tiếp tục thi công mở rộng vành đai 3, ngoài những cây được di dời thì khoảng 1.300 cây xanh lâu năm, phần lớn là xà cừ cổ thụ có nguy cơ bị chặt hạ. Nếu thực tế này xảy ra, thì lại là một điều rất đáng tiếc?!
Tại một Hội thảo khoa học gần đây do Hiệp hội Cây xanh, công viên Việt Nam tổ chức, nhiều chuyên gia đã cảnh báo, sự thiếu hụt diện tích cây xanh ở Hà Nội đã và đang đem đến nhiều hậu quả xấu đối với sức khỏe con người và môi trường sống, trong khi tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ xây dựng cao, hiệu ứng nhà kính, hiệu ứng bê tông và biến đổi khí hậu đang diễn ra rất phức tạp. Hiện nay, tỷ lệ cây xanh tính theo đầu người ở Hà Nội chưa đến 2m2 (trong khi đó Singapore 30m2, Soul 41m2 hay Berlin 50m2…). Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến 2030 tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì tỷ lệ cây xanh trung bình cũng mới đạt 10m2/người (tiêu chuẩn mà Liên Hiệp quốc đề ra là 39m2/người). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Mà quan trọng nhất là việc quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm soát, hay điều chỉnh trong thực thi các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Không khó nhận ra những đường phố mới cải tạo, hay xây dựng mới rộng 50 – 60 thậm chí gần 100m, hai bên đường thưa thớt bóng cây nhưng lại san sát các chung cư cao tầng cùng dòng người xe đông đặc di chuyển chậm chạp phơi mình trong cái nắng, nóng mùa hè hầm hập 37 – 390C. Công tác quản lý cây xanh cũng còn nhiều bất cập. Việc lựa chọn loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, đảm bảo an toàn và tạo cảnh quan cho đô thị, cũng như kỹ thuật trồng cây, chăm sóc cây chưa được quan tâm đúng mức. Việc thiếu phối hợp trong cải tạo hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị đã dẫn đến việc vỉa hè đường phố bị đào bới lung tung, làm bộ rễ của cây bị ảnh hưởng, thậm chí nhiều cây bị chặt gần hết rễ, dẫn đến tình trạng cây đổ bất kỳ lúc nào, gây thiệt hại về người và tài sản của dân. Một bộ phận cư dân rất thiếu ý thức giữ gìn, bảo vệ cây xanh đường phố, nhiều cây bị “bức tử”, cây có giá trị kinh tế cao, lâu năm như cây sưa thường bị những kẻ xấu đốn hạ, mà ta gọi là bọn “sưa tặc”. Cách đây hai năm, Hà Nội có chủ trương thay thế cây xanh lâu năm, bị già cỗi, sâu mục dễ gãy đổ mỗi khi mưa bão để trồng cây mới nhằm đảm bảo an toàn cho môi trường sống. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, do yếu kém trong điều hành, quản lý của ngành chức năng, sự vô trách nhiệm của một số cán bộ đã dẫn đến việc hàng trăm cây xanh lâu năm đang phát triển tốt bị chặt hạ hàng loạt gây bức xúc trong nhân dân và bị công luận phản đối. Hiện nay Hà Nội đang tích cực thực hiện mục tiêu tới năm 2020 sẽ trồng mới 1 triệu cây xanh. Và trên nhiều đường phố mới, các dải phân cách… hàng nghìn cây xanh đã được trồng, chống đỡ cẩn thận đang hồi phục và phát triển tốt. Theo các chuyên gia, cây xanh trong đô thị phải đa dạng sinh học, là những loại cây phải thích nghi với thổ nhưỡng, điều kiện sống trong đô thị, thân cây thẳng, tán rộng bốn mùa xanh tươi, rễ ăn sâu, hoa trái đẹp, có mùi hương, không gây độc hại (như sấu, bàng Đài Loan, phượng vĩ, bằng lăng, muồng vàng…), tránh trồng cây theo kiểu phong trào, như có phố chỉ trồng toàn cây hoa ban (vốn thích nghi với vùng núi Tây Bắc), hay có phố chỉ trồng toàn cây hoa sữa, gây độc hại không khí vào mùa nở hoa… Mỗi đường phố chỉ nên trồng nhiều nhất là 2 loài cây. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, cần chọn cây có đường kính gốc từ 10 – 20cm và cao 5 – 6m trồng mới là thích hợp vì cây chóng phục hồi và phát triển.
3 Thế giới hôm nay đang phát triển theo hướng kiến trúc xanh, đô thị xanh, nhằm tạo dựng môi trường sống bền vững, thân thiện giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, trước hiểm họa của biến đổi khí hậu và sự ô nhiễm bầu không khí ngày càng tăng do chính con người gây ra trong quá trình xây dựng. Hà Nội và các đô thị ở Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển đó.
Những ngày đầu tháng 6 này, Hà Nội và nhiều nơi trên cả nước đang trải qua những ngày nắng nóng quay quắt bất thường 40 – 420C, kể từ 40 năm trở lại đây, chúng ta càng thấy giá trị của từng bóng cây, mặt nước. Bác Hồ đã từng căn dặn “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm phải trồng người” và Người kêu gọi “Mùa Xuân là Tết trồng cây. Để cho đất nước càng ngày càng Xuân”. Trước sự suy giảm ngày càng xấu đi của môi trường sống, chất lượng sống trong đô thị ở nước ta hiện nay, nhất là các TP lớn, chúng ta càng thấm thía lời dạy của Bác năm xưa, cùng chung tay góp sức để tạo dựng môi trường sống xanh, an toàn, bền vững, hài hòa với thiên nhiên, phù hợp với điều kiện sống và bản sắc văn hóa Việt Nam.
Mà kiến trúc sư với sự đồng hành của toàn xã hội, sẽ là những người tiên phong trong kiến tạo nên môi trường sống hạnh phúc và nhân văn ấy.
Hà Nội, những ngày nắng nóng gay gắt, tháng 6/2017
Nguồn Tạp chí kiến trúc Việt Nam
EmoticonEmoticon