Góp ý dự án xây dựng, cải tạo chỉnh trang xung quanh hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), Bộ Xây dựng thống nhất về cách tiếp cận nghiên cứu, đánh giá tổng quan, tuy nhiên, Bộ cũng chỉ ra các nội dung điều chỉnh cụ thể để đảm bảo tính khả thi về kỹ thuật, kiến trúc, mỹ quan đô thị đối với khu vực đặc trưng của Thủ đô Hà Nội. Trong đó, hạng mục cây xanh xung quanh hồ và việc giải tỏa các công trình cơi nới, lần chiếm cần được lưu ý.
Từ năm 2010, UBND quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội đã bắt đầu nghiên cứu phương án cải tạo, chỉnh trang hạ tầng không gian kiến trúc hồ Hoàn Kiếm nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Tháng 1/2017, TP Hà Nội đã tổ chức triển lãm trưng bày thiết kế phương án, lấy ý kiến cộng đồng dự án đầu tư xây dựng cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Chủ trương cải tạo, chỉnh trang tổng thể khu vực Hồ Gươm được thành phố Hà Nội thông qua bao gồm Cải tạo, nâng cấp hè, đường dạo, thoát nước vườn hoa và duy tu phần kè hồ hỏng xung quanh Hồ Gươm; chiếu sáng trang trí xung quanh hồ; cây xanh, cảnh quan xung quanh hồ bằng nguồn vốn ngân sách.
Ảnh minh họa.
Ngày 06/6/2017, UBND TP Hà Nội gửi công văn xin ý kiến Bộ Xây dựng về dự án xây dựng, cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Sau khi nghiên cứu, ngày 27/6/2017, Bộ Xây dựng có công văn góp ý. Bộ Xây dựng thống nhất về cách tiếp cận nghiên cứu, đánh giá tổng quan. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi về kỹ thuật, kiến trúc, mỹ quan đô thị đối với khu vực đặc trưng của Thủ đô Hà Nội đề nghị cần bổ sung làm rõ.
Đối với lát hè và đường dạo, Bộ Xây dựng yêu cầu cần có phương án thiết kế cho từng khu vực về: sử dụng vật liệu, hình thức, màu sắc. Hồ sơ bản vẽ gửi kèm còn sơ lược, đơn điệu chưa phù hợp với cảnh quan khu vực.
Đối với cây xanh, Bộ Xây dựng nhận thấy bản vẽ hiện trạng cây xanh sơ sài, phương án thay thế cây mới cần chỉ rõ từng vị trí (có bảng thống kê, phân loại, đánh số chủng loại cây; vị trí, ký hiệu các loại cây và lập hồ sơ cho từng cây phục vụ công tác quản lý).
Bộ Xây dựng yêu cầu chủng loại cây phải đồng nhất trên trục tuyến đường, trong khu vực vườn hoa. Cây xanh cần thể hiện: đường kính, phân cành, màu sắc lá, hoa. Hệ thống bó vỉa các bồn cây, bồn hoa không nên làm nổi trên mặt đất chiếm diện tích vỉa hè đường dạo; Tổ chức không gian cây xanh theo mảng khối đạt mục tiêu tôn tạo nâng cao giá trị cảnh quan cho khu vực; sử dụng dạng điểm để tạo thành cây xanh điểm nhấn như vườn hoa công cộng và bố trí những khu vực tiểu cảnh tạo cảnh quan xung quanh hồ để khách tham quan có thể dừng chân, ngồi nghỉ chụp ảnh, có thể khai thác các hoạt động dịch vụ văn hóa, vui chơi xung quanh hồ.
Đối với Khu vực đền Bà Kiệu và tượng đài Cảm tử, Bộ Xây dựng yêu cầu phải giải tỏa các công trình cơi nới, lấn chiếm không gian tại khuôn viên vườn hoa đền Bà Kiệu; Xem xét nghiên cứu cải tạo không gian cảnh quan cây xanh xung quanh về phía sau và vườn hoa phía trước tượng đài. Những nội dung này cần nghiên cứu kỹ và thể hiện rõ trên hồ sơ bản vẽ.
Đối với khu vực café Bốn mùa – Hapro, yêu cầu có bản vẽ hiện trạng và phương án cải tạo kiến trúc cảnh quan. Ngoài ra còn các khu vực khác: Giải tỏa các không gian lấn chiếm tiếp giáp với nhà hàng Thủy Tạ (hiện nay đã không còn giữ được hình ảnh kiến trúc nguyên trạng), cải tạo các kiốt, nhà vệ sinh…
Đối với các trang thiết bị tiện ích, cần có giải pháp thiết kế đối với hệ thống thùng thu gom rác và quầy bán nước tự động, nhà vệ sinh, biển hiệu, nội quy và pano tại các vị trí cần thống nhất về kiểu dáng đảm bảo tính mỹ thuật; Nghiên cứu bổ sung hệ thống ghế nghỉ phục vụ công cộng, chỗ ngồi kết hợp bó vỉa bãi cỏ tại các khu vực có độ dốc lớn và các khu vực tiểu cảnh xung quanh hồ. Thiết bị chiếu sáng trong khu vực nghiên cứu phải nghiên cứu kiểu dáng phù hợp cho từng khu vực. Giải pháp chiếu sáng và màu sắc ánh sáng chưa được nghiên cứu sâu đối với từng khu vực; hệ thống chiếu sáng cho cây xanh, mặt nước, đường đi bộ… cần nghiên cứu thống nhất và đồng bộ.
Đối với hạ tầng, các hạng mục thoát nước mặt, cấp nước tưới cây, hệ thống điện, cáp ngầm cần nghiên cứu cụ thể.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các đơn vị nghiên cứu bổ sung các công trình điêu khắc trang trí ngoài trời, khai thác đề tài về danh nhân, nhân vật lịch sử, tác phẩm điêu khắc nghệ thuật… đặt ở một số vị trí xung quanh hồ nhưng phải phù hợp cảnh quan vị trí đặt; lưu ý khai thác cảnh quan một cách tối đa và tạo điểm nhấn cho khu vực.
Các đề xuất về kiến trúc cảnh quan, cây xanh, chiếu sáng cần có ý tưởng và được thể hiện trên các bản vẽ và hồ sơ thuyết minh.
Nguồn Tạp chí kiến trúc Việt Nam
EmoticonEmoticon