Dãy nhà từ số 22-32 Lê Thái Tổ. Ảnh: Dân Trí |
Có một nguyên lý thị trường là khi nào lợi ích lớn hơn chi phí thì mới làm, nhưng khi lợi ích ít hoặc bằng chi phí thì không làm. Nhưng lợi ích không hoàn toàn chỉ là lợi nhuận mà còn là vẻ đẹp, là tinh thần. Tôi không phản đối từ đầu là làm hay không làm, vấn đề anh phải đảm bảo yêu cầu. Anh không đảm bảo được thì anh phải đổi mục đích. Không thể có một khách sạn đột xuất nổi bật lên để thu hút sự chú ý mà chính là nó phải hòa hợp, hòa nhập vào khung cảnh xung quanh.
Ví dụ như khách sạn Daewoo, Lotte, họ làm nổi bật là điểm nhấn, còn ở Bờ Hồ không có nhu cầu. Mỗi khu vực có yêu cầu khác nhau. Khách sạn không phải là cho người ở tại đấy sống, mà là để cho người ở nơi khác tới sống tạm thời cho nên càng không để cản trở vẻ đẹp của bờ hồ và vận hành xung quanh Bờ Hồ. Như khách sạn Metropole Hà Nội, ở trong một khu cổ, nhưng về mặt kiến trúc không hề nổi bật mà vẫn giữ phong cách như ngày xưa và được cải tạo.
Và trong trường hợp Dự án khách sạn Oriental Luxury, về mặt kiến trúc tuy là một công trình, nhưng nên có sự thay đổi bề mặt, đừng làm đơn điệu. Một cái nhà có hai ba khúc kiến trúc. Ví dụ như tiền sảnh làm một kiểu, khúc khác một kiểu và tất nhiên nó phải thống nhất. Như vậy nó đa dạng mà không phải một dãy dài như nhau.
Nhìn vào, nó như một bức tường buồn tẻ. Tầng 1 của khách sạn là nên có mái hiên và nên làm nhỏ, là cửa hàng để hoà hơp với quy mô với những cửa hàng và không gian xung quanh. Bề ngoài, nơi sát vỉa hè, làm ba tầng để không cao với những nhà bên cạnh, còn phía bên trong, giật cấp vào thì có thể lên tầng. Cái ý nghĩa của việc giật cấp là nó tạo cảm giác khi ở gần nhìn vào công trình lúc không cao. Nhưng nếu nhìn từ bên kia hồ thì giật cấp là vô nghĩa.
Cho nên, kể cả giật cấp rồi anh cũng không được cao. Thế nhưng trong trường hợp này, dù có giật cấp rồi cũng vẫn cao quá, thành một bức tường chắn. Như tòa nhà của Ủy ban Hà Nội cũng cao, nhưng nó chỉ như cái tháp, nhưng nếu nó dài ra thì sẽ thành một bức tường cao rất chướng mắt. Cho nên đừng nghĩ rằng giật cấp thì người ta không thấy được chiều cao của cái nhà. Mà khống chế chiều cao là yêu cầu rất quan trọng quanh Bờ Hồ.
Có ý kiến cho rằng nên giữ lại cái cũ. Theo tôi, cái cũ cũng không hẳn là đẹp. Thay đổi cũng được, nhưng trên hết phải hòa hợp với cái tổng thể. Còn giữ lại cũng được. Và tôi hoan nghênh ý tưởng không lên cao thì xuống ngầm. Cái này nhiều nơi đã làm. Kỹ thuật, công nghệ ngày nay cho phép ta làm được những điều đó, vậy tại sao ta không làm?
Ở Pháp có một số phố cổ, như ở thành phố Bodeaux có một khu phố đi bộ. Họ giữ nguyên mặt ngoài gồm các nhà ngày xưa là cửa hàng nho nhỏ của từng tư nhân một, bên trong họ làm thông thành một siêu thị rất lớn. Đi ở ngoài thì chỉ thấy những ô nhỏ nhỏ, nhưng qua cửa thì không phân biệt được nhà nào với nhà nào bởi nó liền với nhau thành một không gian như thế. Họ để một phố đi bộ dài cỡ 1-2km với phương tiện công cộng chạy hai đầu phố. Hay như đại sứ quán của ta ở Pháp. Sứ quán nhỏ, nghe đâu có 3 tầng. Sau ta muốn làm to, xin phép họ không cho, cuối cùng ông kiến trúc sư Võ Thành Nghĩa đã đưa 7 tầng xuống dưới đất?!
Theo thiết kế thì khách sạn Oriental Luxury có đến 5 tầng hầm để ô tô. Trường hợp này nên tính toán chi tiết để tận dụng không gian sử dụng. Và cần thiết, sảnh đã là nơi dành cho ô tô ra vào thì làm một lối đi ngầm từ khách sạn sang bên bờ hồ. Lối đi này có thể dùng bán hàng, nhà vệ sinh công cộng. Như vậy có thêm một không gian cho thương mại mà lại đảm bảo an toàn và sạch sẽ.
Trong trường hợp giật cấp, nên tận dụng mái. Không nên để không mà nên trồng cây cỏ cho hợp cảnh quan xung quanh và phần nào mảng cây xanh này sẽ che đi được mảng tường bê tông của khách sạn. Việc tranh thủ không gian, không thêm tầng thì tận dụng mái và xuống sâu. Trong trường hợp này, có khi đi xuống lại là phát triển. Và cuối cùng, trên hết, ta nên có một quy hoạch kiến trúc tổng thể cho khu vực Hồ Gươm. Cái gì giữ, cái gì thay đổi chứ đừng để cứ có một công trình lại xem xét.
Vị trí dự án trên nền dãy nhà 22-32 phố Lê Thái Tổ sát cận Hồ Gươm. Ảnh: Google Maps |
TS Phạm Sỹ Liêm
Nguồn Tạp chí kiến trúc Việt Nam
EmoticonEmoticon