Thực hiện Thông báo số 161/TB-VPCP ngày 24/3/2017 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã tập trung thực hiện tốt một số công tác trọng tâm chính được giao.
Cát, sỏi là nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn, việc tái tạo phải trải qua rất nhiều năm. Với đà khai thác như hiện nay ở nước ta thì nguồn tài nguyên này sẽ sớm cạn kiệt, đồng thời gây ra tình trạng xói mòn, sạt lở bờ sông, thu hẹp đất liền; làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến các công trình ven sông, ven đê, tác động xấu đến môi trường, gây nguy hiểm cho tính mạng, tài sản của người dân sinh sống ở khu vực xung quanh và các phương tiện giao thông đường thủy gây mất an ninh, trật tự và bức xúc trong dư luận xã hội.
Ảnh minh họa.
Trước tình hình trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động này; đồng thời đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông và cửa biển. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, tình trạng vi phạm pháp luật về khai thác cát, sỏi vẫn diễn biến phức tạp, chưa được ngăn chặn hiệu quả.
Để đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vi phạm pháp luật trong khai thác cát, sỏi, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt những quy định pháp luật hiện hành, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực thực thi chính sách pháp luật về khoáng sản; Thông báo Kết luận số 357/TB-VPCP ngày 06/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông và cửa biển.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, sản xuất các loại vật liệu xây dựng thay thế; Ban hành Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9205:2012 cát nghiền cho bê tông và vữa. Bộ Xây dựng đã giao cho Viện Vật liệu Xây dựng và các đơn vị liên quan nghiên cứu, sản xuất các loại vật liệu xây dựng thay thế cát tự nhiên.
Xây dựng Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng to, xỉ, thạch cao của các nhà máy thủy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017. Trong đó, mục tiêu sử dụng tro, xỉ nhiệt điện làm vật liệu san lấp cho công trình dân dụng, công nghiệp; Chỉ dẫn kỹ thuật sử dụng tro, xỉ nhiệt điện trong san lấp cho công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp; TCVN về kỹ thuật thi công nghiệm thu tro, xỉ, nhiệt điện làm vật liệu móng đường và đắp nền đường, dự kiến ban hành năm 2017 và 2018.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đang phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh nghiên cứu sử dụng cát nhiễm mặt, các loại phụ gia chịu ăn mòn phục vụ cho xây dựng các công trình ven biển.
Công tác rà soát, cân đối cung cầu cát, sỏi xây dựng và vật liệu san lấp đã được Bộ Xây dựng nghiên cứu trong Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014. Trong quá trình các địa phương lập quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng, quy hoạch khoáng sản, Bộ Xây dựng đã lưu ý trong việc cân đối cung cầu cát sỏi xây dựng và cát san lấp, hạn chế việc quy hoạch mới nguồn khai thác cát, sỏi, xây dựng và cát san lấp, hạn chế việc quy hoạch mới nguồn khai thác cát, sỏi xây dựng tự nhiên, khuyến khích các địa phương sử dụng nguồn phế thải từ các ngành công nghiệp khác để thay thế.
Nguồn Tạp chí kiến trúc Việt Nam
EmoticonEmoticon