Biệt thự cũ – Để bảo tồn hiệu quả…

15:29
Trải qua thời gian, các công trình kiến trúc Pháp đã trở thành một phần không thể thiếu của đô thị Hà Nội. Trong đó, những căn biệt thự cũ là nơi sinh sống, làm việc của nhiều người và cũng là di sản kiến trúc đặc biệt cần gìn giữ, bảo tồn. Trước sức ép phát triển của đô thị hiện đại, để công tác bảo tồn di sản này đạt hiệu quả như mong muốn, cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ người dân đang sinh sống tại đây.

Nơi lưu giữ thời gian

Cánh cửa gỗ khép lại sau lưng những ồn ào phố xá, tôi bước chân trần trên những bậc thang gỗ đen nhánh của ngôi biệt thự cổ 33 phố Quang Trung, quận Hoàn Kiếm. Đã ngót trăm năm, những bậc thang gỗ lim chưa hề bị mục, mà chỉ mòn đi, lên nước bóng nhẵn. Thanh tay vịn uốn lượn mềm mại, duyên dáng. Hành lang tầng 2 ngập tràn ánh sáng. Nắng sớm xiên vào sàn gỗ đã lên màu thời gian, vào cả bộ bàn ghế gỗ thâm màu, lò sưởi, bàn thờ gỗ nâu bóng làm cho ai bước vào căn phòng này cũng cảm thấy như chúng đang kể một điều gì đó về ngày hôm qua…

Bảo tồn những biệt thự cổ là việc làm rất cấp thiết.
Ông Nguyễn Việt Cường, nguyên Chánh Thanh tra Sở Quy hoạch – Kiến trúc chia sẻ: “Tôi sinh vào năm 1954 và lớn lên ở ngôi nhà này. Nhiều lúc cũng muốn đi khỏi nhưng kỷ niệm níu mình ở lại. Hồi tôi còn nhỏ, trước cổng có hai cây nho dại, hai cây roi “Tây đen” cao như cây cổ thụ, lúc lỉu quả. Bên trái nhà là vườn dừa thân to, trước cửa còn thảm cỏ. Phía sau là dãy nhà một tầng làm nơi ở cho những người lái xe, nấu cơm, quét dọn…”.

Nhưng đến hôm nay, hình ảnh đẹp đẽ ấy chỉ còn trong hoài niệm. Dù được xếp vào nhóm I và được đánh giá còn khá nguyên trạng thì cũng ít người hình dung ra khuôn viên ngôi biệt thự này như lời kể của ông Cường. Toàn bộ mặt tiền ngôi nhà hướng ra phố Quang Trung – con phố sầm uất và đắt đỏ bậc nhất Hà Nội – đã bị che kín bởi hàng quán, nào cháo lòng tiết canh, nào bún miến ngan, cà phê… Các căn phòng tầng 1 sâu vào trong cũng đã được tận dụng bán hàng ăn. Từ sáng sớm đến đêm khuya, bao quanh khu nhà là tiếng thực khách ồn ào, tiếng bát đũa, nồi xoong loảng xoảng… Thay vì thiết kế cho một gia đình sinh sống, căn biệt thự số 33 Quang Trung, sau những thăng trầm, biến thiên của lịch sử, giờ đã thành nhà của cả chục hộ gia đình. Hầu hết các diện tích đã được mua theo Nghị định 61/NĐ-CP Về mua bán và kinh doanh nhà ở, ngay cả những phần lấn chiếm diện tích sử dụng chung, xây dựng không phép thời gian trước. Chồng chéo chủ sở hữu, việc tranh chấp, to tiếng là khó tránh khỏi…

Đây cũng là thực trạng chung của nhiều căn biệt thự cũ trên địa bàn thành phố.

Bảo tồn kết hợp hỗ trợ

“Những căn biệt thự hiện sử dụng làm trụ sở các cơ quan, nhà công vụ được bảo tồn khá nguyên trạng và được duy tu, sửa chữa hằng năm. Đó là các ngôi biệt thự hiện thuộc quản lý của các cơ quan như Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng… Còn những biệt thự thuộc sở hữu tư nhân, nhất là những nhà có nhiều đồng sở hữu, thì quả là khó khăn trong công tác bảo tồn, gìn giữ” – Ông Vũ Đức Thắng, Phó Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới.

Thực tế, theo ghi nhận của phóng viên, chính hiện trạng nhiều chủ sở hữu đã dẫn tới sự quá tải của nhiều biệt thự. Trong vài năm trở lại đây, hầu hết biệt thự cũ thuộc sở hữu tư nhân trên địa bàn Hà Nội đã xuống cấp trầm trọng. Nhiều nhà đã biến dạng hoàn toàn. Nhất là một số ngôi biệt thự có đến cả chục hộ gia đình cùng sinh sống, đến khi nhà xuống cấp, công trình rơi vào cảnh “cha chung không ai khóc”. Cực chẳng đã, vì nhu cầu sinh hoạt, các hộ dân mạnh ai nấy làm, tự ý sửa chữa theo kiểu chắp vá, manh mún trong căn nhà cũ kỹ khiến cho ngôi biệt thự ngày càng xuống cấp hơn, các đường nét kiến trúc cũng bị biến dạng và quan trọng hơn cả là không bảo đảm an toàn cho những người sinh sống trong đó. Vụ sập biệt thự cũ ở 107 Trần Hưng Đạo năm 2015, khiến hai người tử vong, là một ví dụ rất đau lòng. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Chi cục Giám định, Sở Xây dựng, đã phát hiện 27 công trình biệt thự cũ xuống cấp, có dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm; có văn bản báo cáo cơ quan chức năng để tiến hành những biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân…

Cũng theo ông Vũ Đức Thắng, để quản lý, bảo tồn biệt thự cũ, thành phố đã ban hành nhiều văn bản như Quyết định số 52/2013/QĐ-UBND, ngày 28-11-2013, về ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ được xây từ trước năm 1954 trên địa bàn TP Hà Nội; Quyết định số 7177/2013/QĐ-UBND, ngày 28-11-2013, về danh mục các nhà biệt thự cũ… Thời gian tới, để tiếp tục hỗ trợ có hiệu quả hơn nữa người dân sinh sống tại các biệt thự cũ trong quá trình cải tạo, sửa chữa nhà, thành phố đã giao Sở Xây dựng nghiên cứu, trình văn bản sửa đổi Quyết định 52. Theo đó, khi tiến hành sửa chữa, cải tạo nhà biệt thự cũ thuộc diện quản lý theo quy định, người dân sẽ được hỗ trợ các thủ tục hành chính như cấp phép xây dựng, tư vấn sửa chữa các hạng mục phù hợp với tổng thể ngôi nhà, cảnh quan tuyến phố, giới thiệu những cơ quan kiểm định có uy tín, chi phí thấp, hiệu quả cao… Công tác kiểm tra, giám định cũng được duy trì thường xuyên.

Mới đây nhất, ngày 4-7 vừa qua, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh danh mục biệt thự ban hành kèm theo Nghị quyết số 18/2008/NQ-HĐND, ngày 10-12-2008, về Đề án quản lý quỹ nhà biệt thự trên địa bàn thành phố Hà Nội và Nghị quyết số 24/2013/NQ-HĐND, ngày 4-12-2013, về việc ban hành danh mục phố cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1945 và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của HĐND thành phố. Theo đó, UBND thành phố báo cáo điều chỉnh danh mục 970 biệt thự trong Nghị quyết số 18 còn 853 biệt thự. Với danh mục 225 biệt thự tại Nghị quyết số 24, còn lại 218 biệt thự. Việc điều chỉnh này xuất phát từ kết quả rà soát, kiểm tra hiện trạng toàn bộ các biệt thự có tên trong 2 Nghị quyết và kiểm tra thu thập các hồ sơ, tài liệu liên quan của tổ công tác liên ngành. Kết quả cho thấy, một số biệt thự là nhà phố, công trình nhà ở có giá trị kiến trúc; một số biệt thự đã phá dỡ, xây dựng công trình mới qua các thời kỳ trước đây; một số địa chỉ biệt thự không có trên thực tế; một số biệt thự nằm ở góc phố mang 2 biển số nhà nhưng trong danh mục lại thống kê là 2 biệt thự riêng biệt…

Dư luận đánh giá việc điều chỉnh này là phù hợp với tình hình thực tế biến động của quá trình sử dụng biệt thự cũ trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, dư luận cũng mong mỏi cơ quan chức năng và cấp có thẩm quyền kịp thời điều chỉnh, ban hành các văn bản, quy định phù hợp để quản lý hiệu quả hơn số lượng biệt thự này.

Văn Ngọc Thủy/Hanoimoi.com

Nguồn Tạp chí kiến trúc Việt Nam
Biệt thự cũ – Để bảo tồn hiệu quả… Biệt thự cũ – Để bảo tồn hiệu quả…
910 1

Bài viết Biệt thự cũ – Để bảo tồn hiệu quả…

Chia sẻ bài viết

Cùng Chuyên Mục

Previous
Next Post »