(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Được xuất hiện lần đầu từ những năm 1990, khái niệm “Đô thị thông minh” đang trở thành xu hướng phát triển rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới với nhiều biến thể và cách hiểu khác nhau. Cho đến nay, tại Việt Nam có khoảng 10 đô thị đã triển khai xây dựng chiến lược phát triển đô thị thông minh ở các cấp độ khác nhau. Để phát triển thành công đô thị thông minh, cần đảm bảo được đầy đủ 5 yếu tố chính. Bên cạnh các yếu tố công nghệ, nhân tố người sử dụng và quản trị là yếu tố then chốt nhất. Do vậy, xây dựng một định hướng phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam là điều cần làm lúc này trong đó dự báo và lựa chọn được các mô hình, cấp độ phát triển đô thị thông minh phù hợp để đây là công cụ giúp đô thị phát triển bền vững, có bản sắc, có tính nhân văn, hạn chế các tác động tiêu cực.
Khái lược thành phố thông minh
Ý tưởng về thành phố thông minh (Smart city- SC) bắt đầu từ khoảng 1990 bởi các chuyên gia công nghệ thông tin ở Valley Silicon (Mỹ) và Thành phố Bangalore – Valley silicon của Ấn Độ. Các chuyên gia này mong muốn đưa công nghệ thông tin phủ kín toàn bộ thành phố, do vậy mà các tên gọi ban đầu của thành phố số hoá (Digital city); Thành phố công nghệ thông tin (IT city); Thành phố trí tuệ (Intelligent city). Còn khái niệm thành phố thông minh chính thức được sử dụng từ năm 2005. Tuy còn có những tranh luận, bởi SC là một khái niệm rộng lớn theo cách hiểu của nhiều người, nhưng về cơ bản đều đề cập tới việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông kết nối các cảm biến, mạng không dây tốc độ cao, xử lý dữ liệu lớn để nâng cao chất lượng cuộc sống nơi đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố, giảm tiêu thụ năng lượng, quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Từ năm 2010 thì SC được chuyển từ các khái niệm trừu tượng thành các mô hình có thể hiện thức hoá được trong thực tế bởi một loạt các tập đoàn công nghệ viễn thông như Siemens, Cisco, IBM… Đến 2012, các tập đoàn này đã hoàn tất công nghệ thiết kế trọn gói một thành phố thông minh với từng nhóm Module và đang trong quá trình chào hàng ở các quốc gia khác nhau. Lãnh đạo các thành phố lớn nhỏ của Việt Nam và các sở chức năng thường xuyên tiếp các nhà đầu tư và các nhà môi giới quốc tế đến chào hàng. Họ rất nhanh nhạy nhận ra Việt Nam đang nhanh chóng tiếp cận đến mô hình thành phố thông minh. Cho đến nay, ở Việt Nam đã có khoảng 10 thành phố chính thức ký kết các hợp tác với đối tác trong và ngoài nước trong đó có các thành phố sau: năm 2012, Đà Nẵng là đô thị đầu tiên ký hợp tác với tập đoàn công nghệ IBM xây dựng thành phố thông minh; 2015, tỉnh Bình Dương đã ký hợp tác với Hà Lan hỗ trợ xây dựng SC; năm 2016, các thành phố Hồ Chí Minh, Lâm đồng (TP.Đà Lạt), Kiên Giang (Phú Quốc) đã cùng VNPT ký kết thỏa thuận xây dựng thành thành phố thông minh; 2017, Tiền Giang ký kết với VNPT xây dựng TP. Mỹ Tho thành thành phố thông minh; Ngoài ra các thành phố khác cũng đang trên đường khảo sát: Hà Nội, Hạ Long, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình.
Các yếu tố cần và đủ cho việc xây dựng thành phố thông minh
Để có được một thành phố thông minh theo đúng nghĩa, các thành phố phải đảm bảo có được 5 yếu tố cơ bản và cốt lõi sau đây:
Hệ thống hạ tầng khung ICT. Như đã biết, một thành phố đạt đến cấp độ thông minh thì phải có được một hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung ICT hiện đại, hoàn thiện và phủ kín toàn thành phố. ICT là khái niệm kết hợp của IT (công nghệ thông tin – information technology) và C (truyền thông communication). ICT này đảm bảo một nguyên lý cực kỳ quan trọng của thành phố thông minh là Internet of things, tức là vạn vật (tất cả mọi đồ vật, mọi con người, mọi lĩnh vực, mọi chuyện) được kết nối với nhau trong một mạng lưới thông suốt. Nói một dễ hiểu hơn là con người kết nối được với thiên nhiên, nhà ở, đường sá, cây cối, nhà bếp và cố nhiên là với con người. Để làm được điều đó người ta phải sử dụng các thiết bị công nghệ cao (high technical) như các cảm biến, mạng không dây tốc độ cao, các đường truyền cáp quang, xử lý dữ liệu lớn, tốc độ cực nhanh, kết nối liên thông các lĩnh vực kỹ thuật và phi kỹ thuật, thêm vào nữa sử dụng tự động hoá trong sản xuất và đời sống. Để có thể tiếp nhận và xử lý dữ liệu, mỗi thành phố cần có các trung tâm tích hợp, xử lí dữ liệu lớn (Big Data). Đảm bảo dung lượng đủ cho địa bàn, lĩnh vực mà mình muốn ứng dụng và dư địa cho những năm tới khi mở rộng.
Có hai vấn đề nảy sinh khi xây dựng cơ sở hạ tầng khung hiện đại, đồng bộ. Đó là phải bỏ ra một chi phí cực kỳ tốn kém. Một vài ví dụ cho thấy, Thành phố Songdo của Hàn Quốc được công nhận là thành phố thông minh, nhưng để xây dựng một thành phố vẻn vẹn có 6.5km2 cho 200.000 dân, chính phủ Hàn Quốc và các nhà đầu tư phải bỏ ra 35 tỷ USD, tương tự Chính phủ Malaysia phải bỏ ra 15 tỷ USD để xây dựng thành phố Hành chính mới của Malaysia là Putrajaya trở thành thành phố thông minh với diện tích khoảng 50km2, dân số 250.000 người. Việc cố gắng mua sắm một hệ thống cơ sở hạ tầng khung hiện đại cho một thành phố nhiều triệu dân có thể sẽ mang lại nợ nần lớn. Thành phố Đà Nẵng mới chỉ lắp đặt hơn 1.500 camera quan sát phục vụ giao thông đã phải chi gần 100 tỷ đồng cho sự tốn kém là rất lớn. Thứ nữa, các thành phố không thể tự mình xây dựng một hệ thống kỹ thuật cực kỳ phức tạp mà phải mua của các hãng lớn, trong khi kỹ thuật công nghệ thông tin rất nhanh chóng lạc hậu, do vậy phải liên tục nâng cấp, mua mới và như thế sẽ bị lệ thuộc vào một vài nhà cung cấp.
Hệ thống hạ tầng của các loại hình dịch vụ, các lĩnh vực định áp dụng đảm bảo hiện đại, đồng bộ để tiếp nhận được công nghệ mới. Việc xây dựng được một hạ tầng khung là chưa đủ, thành phố đó phải xây dựng một hạ tầng tương thích ở những lĩnh vực định đưa “thông minh” vào. Các lĩnh vực như giao thông, bệnh viện, trường học phải hiện đại đến mức tương hợp về trình độ, qui mô với công nghệ và kỹ thuật ICT định ứng dụng. Một ví dụ điển hình ở TP.HCM là sở GTVT tiến hành lắp đặt 35 bộ cảm biến áp suất ở các điểm ngập. Mức nước thuỷ triều dâng sẽ tác động vào các đầu dò cảm biến báo cho các nhân viên của sở đo tại chỗ nhằm biết mực nước triều và nước mưa cộng nước triều dâng cao lên bao nhiêu. Nhưng nếu chỉ dừng ở đây thì vô nghĩa, điều quan trọng là làm sao để những thông tin này được chuyển về một trung tâm xử lý dữ liệu đa năng cấp thành phố (ở TPHCM hiện nay mới chỉ có một trung tâm xử lý dữ liệu giao thông, trong khi ở các thành phố như Thượng Hải, Songdo có các trung tâm này tích hợp tất cả các thông tin về giao thông, môi trường, an ninh trật tự, an toàn cháy nổ, sự cố rủi ro,..), từ trung tâm này thông tin nhanh chóng được chuyển đến hàng triệu điểm phát sóng (ở một số nước được tích hợp trong cột đèn điện, trụ đèn báo giao thông, trên nóc trụ rút tiền ATM,..), bất kỳ người dân nào có smart phone là nhận được thông tin về các điểm ngập, mức ngập, thời gian ngập, sau đó họ nhắn tin cho con của họ ở trường học biết là phải đợi trong bao lâu nữa. Hiện nay, Bộ Giáo dục – Đào tạo Việt Nam cấm học sinh không được sử dụng điện thoại di động, hay hộp thoại (như học sinh ở Nhật Bản, Hàn Quốc đang dùng), cho nên cha mẹ không sao báo tin cho con được mỗi khi có sự cố bất thường. Trong các bệnh viện, trường học, cơ sở dịch vụ không có các thiết bị tương thích thì thành phố thông minh chỉ là hình thức.
Khả năng người dân phải đón nhận SC. Thành phố thông minh là sự cộng hưởng từ nhiều yếu tố và nhiều phía, trong số đó công dân thông minh (Smart citizen) được coi là một trong số các yếu tố quyết định sự thành bại của tham vọng này, bởi người dân vừa là chủ thể vừa là đối tác. Điều này được thể hiện:
Người dân phải có tài chính cá nhân đủ để mua các thiết bị tối thiểu như laptop, Smart phone, camera, cảm biến, đường truyền,… Người già ở Singapore, Thương Hải, Tokyo muốn tham gia vào hệ thống hỗ trợ sức khoẻ tại gia thì họ phải có tiền để gắn chip vào cơ thể (ví dụ người tiểu đường, huyết áp cao), có máy tính nối với internet băng thông rộng để truyền thông tin, có camere có độ nét cao để bác sĩ nhận biết qua hình ảnh, có cảm biến nhiệt, cảm biến tiếng động để cho việc chẩn đoán từ xa. Những thứ đó không hề rẻ tiền.
Dân trí đủ biết để sử dụng được các công nghệ và kỹ thuật mới. Không phải ai cũng có khả năng sử dụng các thiết bị kỹ thuật mới. Để hỗ trợ cho mục tiêu Quốc gia thông minh (Smart Nation), chính phủ Singapore cung cấp cho mỗi người già trên 60 tuổi 500 đô la Singapore để đi học về IT trước khi triển khai đề án SN, để đảm bảo mọi người trở thành đối tác của chính phủ.
Chấp nhận hợp tác, cùng hành động, cùng chia sẻ một cách tự nguyện. SC là một cuộc chơi khá tốn kém, mất công sức do vậy cần một sự hợp tác tích cực. Ở những quốc gia nghèo người dân có thể không hợp tác, thậm chí một số người còn lấy cắp các thiết bị kỹ thuật để bán như camera, cảm biến, dây dẫn,…
Nói như thế để thấy sẽ có những người bị đứng bền lề của thành phố thông minh. Họ là những người nghèo, người già, người tật nguyền và có thể cả người học vấn thấp. Tức là họ chưa đạt đến được mức “thông minh cần có”.
Thành phố Hồ Chí Minh triển khai dịch vụ công trực tuyến, nhưng tỷ lệ tham gia đạt khá thấp, chẳng hạn, bà Võ Thị Trung Trinh – Phó GĐ sở TT cho biết trong lĩnh vực lao động chỉ có 1%; kinh tế 2%; xây dựng 1%; hộ tịch 2%, an toàn thực phẩm 1%. Điều này cho thấy, người dân ở TP.HCM chưa thật sự sẵn sàng cho một cuộc chơi lớn.
Phải có một đội ngũ chuyên gia cực giỏi và trung thành với nhân dân. Để vận hành một hệ thống ICT cực kỳ phức tạp phục vụ cho một thành phố nhiều triệu dân cần phải có một đội ngũ chuyên gia hàng đầu. Họ không chỉ là chuyên gia về công nghệ thông tin mà còn là các nhà kinh tế, xã hội, tâm lý hàng đầu. Bởi bài toán SC không thuần tuý là IT mà là những vấn đề xã hội. Chẳng hạn có những quyết định phải đưa ra tức thời: Can thiệp hay không? can thiệp đến mức nào?. Thông tin nào là tin cậy? bắt hay không bắt, phạt hay không?. Các chuyên gia phải giỏi và đối phó hiệu quả với các cuộc tấn công của hacker và là những người trung thành với lợi ích của thành phố và người dân. Như đã biết, thành phố thông minh giống như một cái máy tính khổng lồ, tất cả thông tin của thành phố nói chung và của từng công dân nói riêng được tích hợp lại ở một hay vài trung tâm. Những thông tin về nhân thân, việc làm, tư pháp, thu nhập, thuế đều được tích hợp lại. Điều gì xảy ra nếu các chuyên gia trong hệ thống tiếp tay cho kẻ xấu, tuồn thông tin mật của thành phố cho bọn khủng bố, bọn bắt cóc; bán thông tin cá nhân cho các nhà đầu cơ xấu (đất đai, thu nhập, thuế, số điện thoại) như thế hậu quả rất tai hại.
Cần phải có “chính quyền thông minh”, “lãnh đạo thông minh”. Tất cả những điều trên đây sẽ trở nên vô nghĩa nếu không có được một chính quyền thông minh, gồm những người có tài, có tâm, minh bạch, bởi chính quyền thông minh sẽ:
– Đưa ra quyết sách đúng, lựa chọn đúng lĩnh vực ưu tiên, quyết định mức đầu tư phù hợp và biết cách duy trì thành quả lâu dài, không nhất thời.
– Có khả năng huy động nguồn lực trong và ngoài nước, có khả năng kết nối người dân và các tổ chức xã hội để thực hiện mục tiêu mong ước.
Nói cho cùng công nghệ thông tin, kỹ thuật truyền thông hiện đại chỉ là công cụ, đã là công cụ cho dù hiện đại, tinh xảo đến mấy cũng mua được, cái quan trọng hơn là phải có con người thông minh sử dụng chúng. Do vậy, các chuyên gia quốc tế hàng đầu luôn nhấn mạnh các giải pháp thông minh của người lãnh đạo quan trọng hơn là công cụ thông minh.
Một vài khuyến cáo cho việC xây dựng TP Thông minh ở Việt Nam
Quay trở lại với bối cảnh Việt Nam hiện nay, có một vài điều cần phải lưu ý:
– Cần thận trọng không nên vội vàng chạy theo phong trào sẽ dễ bị thất bại, tốn tiền, tốn công sức và mất uy tín. Ở Việt Nam có nhiều phong trào sớm bị thất bại như xây dựng các trung tâm hành chính cấp tỉnh, thành phố; Phát triển các trường đại học dân lập, đầu tư khu công nghiệp, cảng biển, sân bay. Thực tế, ban đầu có nhiều quốc gia tỏ ra hào hứng với thành phố thông minh, nhưng mấy năm gần đây cũng tỏ ra buông lơi, chẳng hạn năm 2008 Nhật Bản xây dựng thí điểm 4 SC: Yokohama; Kyoto; Toyama; Kanagawa, nhưng cho đến nay các đề án đều trong tình trạng dở dang có nguy cơ phá sản, chỉ có Yokohama được coi “thông minh” trong các lĩnh vực môi trường (xử lý rác thải), giao thông (vận tải biển), sử dụng và tái tạo nước sạch, còn chưa đạt đến thành phố thông minh trong tất cả các lĩnh vực cơ bản nhất. Bản thân Singapore là một quốc gia có nhiều điều kiện thuận lợi nhất, nhưng Thủ Tướng Lý Hiển Long ra tuyên ngôn năm 2013 bắt đầu xây dựng Singapore trở thành “Quốc gia thông minh” cũng chỉ dám hy vọng đến 2025 sẽ đạt được thông minh trong một số lĩnh vực mà họ coi là nóng như giao thông, môi trường, chăm sóc người cao tuổi tại gia và giáo dục.
– Không nên nhầm lẫn giữa chính phủ điện tử và thành phố thông minh. Hiện nay, hầu hết các thành phố đang xây dựng SC ở Việt Nam có một sự nhầm lẫn tại hại giữa chính phủ điện tử (E-Goverment) với thành phố thông minh (SC). Việc sử dụng internet vào việc mua vé máy bay, trả tiền dịch vụ (điện thoại, nước, điện tiêu dùng), đăng ký khai sinh, khai thuế là công việc bình thường của bất cứ quốc gia và tỉnh thành nào. Việc một người trước kia viết bằng tay, sau đó là đánh máy chữ và bây giờ sử dụng bàn phím thì không thể coi là thông minh, vì đó chỉ là sự thay đổi trong tiến bộ xã hội. Sự thông minh của một thành phố, một lĩnh vực phải ở một đẳng cấp khác với các giải pháp đột phá khác so với những gì được coi là truyền thống.
– Cần luôn luôn hiểu bất cứ một tiến trình xã hội nào cũng có tính hai mặt, ngoài những cái tích cực của đô thị thông minh thì có rất nhiều những tiêu cực và hệ luỵ rất nặng nề. Chính vì nhận thấy tiến trình này có nhiều điều chưa ổn về cả lý thuyết lẫn hiện thực hoá cho nên hiện nay các nhà khoa học và các lãnh đạo quốc gia, thành phố đang phải nhận thức lại và tư duy lại về SC, một loạt các cuộc hội thảo mới diễn ra trong năm 2016 này ở Thiên Tân (Trung Quốc), King Apdula (Các tiểu vương quốc Ả rập), và Yokohama (Nhật Bản) bàn thảo đến chủ đề này với những bài học kinh nghiệm và những lời cảnh báo. Những tiêu cực hoàn toàn sẽ xảy ra (không phải là có thể) bao gồm: tình trạng thất nghiệp tăng cao do dôi dư lao động từ việc sử dụng ICT vào nhiều lĩnh vực; Đời sống riêng tư bị kiểm soát ngoài mong muốn vì hàng triệu Camera và cảm biến được lắp đặt khắp nơi trong thành phố hoạt động 24/24 và 365/365, kể cả các công viên, chùa chiền, nhà hát đều nằm trong tầm quan sát của hệ thống ICT; Khi SC phát triển sẽ tạo ra một không gian sống lạnh lùng, tách biệt, bởi khi đó mọi người tiếp xúc với nhau gián tiếp qua màn hình nhiều hơn là mặt đối mặt (face to face).
– Đô thị thông minh không phải chỉ về công nghệ. Thành phố thông minh chắc chắn phải dựa trên nền tảng của công nghệ và kỹ thuật, nhưng nếu đề cao công nghệ – kỹ thuật mà coi nhẹ mặt xã hội – nhân văn thì không đi xa được, có thể dẫn đến kết cục xấu. Sau hơn 10 năm triển khai SC đã gặp rất nhiều trắc trở, bởi một thực tế buồn là không phải bao giờ công nghệ – kỹ thuật cũng tương thích hài hoà với đời sống xã hội – nhân văn, đặc biệt khi mở rộng nội hàm “kỹ thuật thông minh” sang “thông minh xã hội” (quản trị, quy hoạch, công dân thông minh) có quá nhiều điều bất ổn. Trong ngày 24/11/2014, ngày khởi động chương trình “Quốc gia thông minh” ông Lý Hiển Long – Thủ tướng Singapore đã phát biểu rất chí lý rằng “Thông minh không phải được đo bằng sự phát triển của công nghệ, mà ở chỗ xã hội sử dụng công nghệ để xử lý các vấn đề phát sinh cũng như các thách thức gặp phải. Người dân là trung tâm của quốc gia thông minh chứ không phải là công nghệ”.
– Cuối cùng, mô hình “thành phố thông minh” chỉ là một sự lựa chọn (option) chứ không phải là một “tất yếu” phải trải qua trên đường hiện đại hoá như một số người lầm tưởng. SC chỉ là một trong rất nhiều các mô hình như thành phố xanh, thành phố sinh thái, thành phố kinh tế – sinh thái, thành phố làng,… tuỳ theo khả năng kinh tế, văn hoá truyền thống, trình độ phát triển và cả tâm linh để người ta lựa chọn xem cái nào hợp với mình. Do vậy luôn luôn nhận biết SC chỉ là một trong số các lựa chọn trên con đường hiện đại hoá chứ không phải tất yếu phải trải qua của các thành phố. Có một thực tế cần ghi nhận là các quốc gia kỳ vọng vào mô hình thành phố thông minh hầu hết là ở châu Á và Trung Đông như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Việt Nam, Các tiểu Vương quốc Ả Rập,… trong khi các nước Bắc Mỹ, Châu Âu, Bắc Âu tỏ ra khá thờ ơ với mô hình này. GS. Martin Nedden – Giám đốc Viện nghiên cứu các vấn đề đô thị của Quốc gia Đức, nguyên Phó Thị trưởng thành phố Leipzig trong lần đến làm việc tại TPHCM ngày 7/10/2016 đã cho hay Đức không theo đuổi mô hình này mà theo đuổi mô hình “Thành phố xã hội” với mục tiêu tạo dựng cuộc sống “giản dị, ít nhân tạo, nhiều tự nhiên”. Một thành phố công nghệ cao, kỹ thuật tân kỳ, giàu có chưa chắc đã mang đến cho con người sự hài lòng, bởi nói cho cùng thì đích của cuộc sống là hạnh phúc, bầu không khí ấm áp và quan hệ xã hội thân thiện trong môi trường trong lành, còn công nghệ thông tin, kỹ thuật truyền thông, máy móc tự động chỉ là công cụ mà thôi, đừng tuyệt đối hoá nó, bởi lẽ một thành phố như thế tối ưu về kỹ thuật, nhưng không hoàn hảo về văn hoá và Xã hội.
Việc ứng dụng SC vào các đô thị Việt Nam là cần thiết, nhưng mỗi thành phố cần biết chắc mình nên ứng dụng vào lĩnh vực nào, địa điểm nào là tốt nhất và mỗi giai đoạn cần đạt đến cái gì. Các thành phố đang thân thiện như Đà Lạt, Nha Trang, Cần Thơ có cần thiết phải phủ kín ICT không?. Khi một người khách nước ngoài đến Đà Lạt hỏi đường dân địa phương đến Trúc Lâm thiền viện ấy là khi một mối quan hệ được thiết lập, còn nếu smart phone đã giúp họ giải quyết xong xuôi tất cả mọi chuyện thì vô hình chung chúng ta tạo ra một xã hội cơ học, lạnh lùng. Như thế có nên không? ./.
PGS.TS. NGUYỄN MINH HÒA
Giám đốc Diễn đàn Phát triển đô thị bền vững Châu Á tại Việt Nam
Giảng viên cao cấp, Trường ĐH KHXH và NV, TP.HCM
TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM SỐ 207 – 2017
Nguồn Tạp chí kiến trúc Việt Nam
EmoticonEmoticon