Cần Thơ – Thành phố Nước Thông minh

16:12

Đó là ý tưởng gợi mở định hướng của các giáo sư đến từ Trung tâm Giáo dục Đô thị Quốc tế (IUTC) hỗ trợ bởi UN-Habitat và chính quyền tỉnh Gangwon – Hàn Quốc dành cho TP. Cần Thơ trong khoá tập huấn “Sự tham gia, sáng kiến của cộng đồng xanh – sạch – đẹp và du lịch văn hoá sinh thái gắn với phương pháp tiếp cận về sự thịnh vượng của thành phố nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cho TP. Cần Thơ”.

Cần Thơ với diện tích 1.409 km2, có dòng sông Hậu chảy qua với tổng chiều dài là 65 km, trong đó đoạn qua Cần Thơ có chiều rộng khoảng 1,6 km. Sông Cần Thơ bắt nguồn từ khu vực nội đồng tây sông Hậu, đi qua các quận Ô môn, huyện Phong Điền, quận Cái Răng, quận Ninh Kiều và đổ ra sông Hậu tại bến Ninh Kiều. Sông Cần Thơ có nước ngọt quanh năm, vừa có tác dụng tưới nước trong mùa cạn, vừa có tác dụng tiêu úng trong mùa lũ và có ý nghĩa lớn về giao thông. Sông Cái Lớn dài 20 km, chiều rộng cửa sông 600 – 700 m, độ sâu 10 – 12 m nên có khả năng trữ và thoát nước.

Ngoài ra, thành phố Cần Thơ còn có hệ thống kênh rạch chằng chịt, với hơn 158 sông, rạch lớn nhỏ là phụ lưu của 2 con sông lớn là Sông Hậu và sông Cần Thơ nối thành mạng đường thủy. Nhiều sông rạch lớn khác như rạch Bình Thủy, Trà Nóc, Ô Môn, Thốt Nốt, kênh Tham Rôn và nhiều kênh lớn khác tại Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Phong Điền, cung cấp nước ngọt quanh năm, tạo điều kiện cho nhà nông làm thủy lợi và cải tạo đất, các công ty lữ hành thiết kế tuyến du lịch sông nước.


Thành phố sử dụng nước thông minh 

Bất cứ thành phố nào trên thế giới có dòng sông, dòng nước chảy qua trung tâm thành phố hay có được nước từ các ao hồ là người dân tại nơi đó trân quý dòng chảy từ dòng sông và và ao hồ và xem nó như sự thân thuộc không thể tách rời với cuộc sống của họ.

Sự gợi mở định hướng “Cần Thơ – thành phố nước thông minh” giúp TP. Cần Thơ nhận định những bước đi thận trọng trong hoạch định chiến lược mới mang lại lợi ích lớn lao cho cộng đồng.

Chương trình sáng kiến vì thành phố Cần Thơ Xanh-Sạch-Đẹp đã xác định đúng xu hướng toàn cầu trong chiến lược không gian công cộng gắn kết với các dự án, tăng cường năng lực tham gia của cộng đồng, cải thiện chất lượng sống cho người dân thành phố trước diễn biến thời tiết khí hậu bất thường như hiện nay.

Kinh nghiệm ở các nước phát triển tiên tiến trên thế giới trong nhận diện và khai thác nguồn tài nguyên sông ngòi tiềm năng, phát triển đô thị vùng sông nước như ở Brisbane thuộc nước Úc, khơi lại dòng suối Cheonggye ở Hàn Quốc,… đã xoá dần những đầu tư cứng trả lại dòng suối con sông với những thiết kế đầu tư mềm nhằm mang lại màu xanh, tạo ra lợi ích kinh tế xã hội từ các hoạt động cải tạo và nâng cấp đô thị, góp phần bảo tồn da dạng sinh học tạo mội trường sống bền vững cho các loài động thực vật sinh sôi nảy nở giúp con người ứng phó với biến đổi khí hậu.


Người dân hứng và trữ nước mưa ở những vùng khan hiếm nước 

Kinh nghiệm tái tạo đô thị ở Hàn Quốc từ con suối Cheonggye

Suối Cheonggye là một con suối dài 5,8km chảy từ tây sang đông chảy qua khu vực trung tâm Seoul. Sau Chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953), có rất nhiều người di cư đến kiếm sống tại Seoul. Họ phải sống trong những khu nhà ổ chuột hai bên bờ suối Cheonggye. Hậu quả để lại cho Seoul là rác rưởi, đất cát và những chất thải ô uế khác và gần như đã phá hủy dòng suối biến nó trở thành một điểm dơ bẩn nhất của thành phố. Từ năm 1958, suối Cheonggye dần bị bê tông san lấp để xây dựng đường xá. Đến năm 1976, một con đường cao tốc trên cao đã được xây dựng ngay bên trên dòng suối này.

Tháng 7 năm 2003, Seoul đã bắt đầu triển khai dự án xóa bỏ đường cao tốc và cải tạo lại dòng suối Cheonggye. Vào thời điểm đó, người dân rất lo lắng về an toàn xây dựng bởi người ta cần phải phá hủy cả một công trình bê tông chắc chắn. Bất chấp mọi khó khăn, việc cải tạo suối Cheonggye vẫn được xem là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu vì nó phù hợp với mục tiêu đưa thành phố Seoul hòa mình vào thiên nhiên và quảng bá một kiến trúc thành phố Seoul thân thiện với môi trường cải thiện đời sống cho người dân Seoul và thu hút khách du lịch.

Dự án cải tạo Cheonggye đặt mục tiêu hàng đầu là bảo tồn môi trường thiên nhiên và những di tích lịch sử tại quận hành chính trung tâm của Seoul. Suối Cheonggye được mở cửa cho người dân vào tháng 9 năm 2005 và được xem là một thành công lớn trong nỗ lực cải tạo và củng cố mỹ quan đô thị, khôi phục lại dòng suối để Seoul phát triển thành một thành phố nhân văn và thân thiện với môi trường, một môi trường với dòng nước sạch và phát triển một quần thể tự nhiên trong lòng thành phố. Suối Cheonggye đã mang lại không khí mát mẻ hơn cho khu vực chung quanh và hạ thấp nhiệt độ hơn khoảng 3,6°C và có rất nhiều loại cá, chim chóc và côn trùng đã bắt đầu sinh sống ở đây.


“Khơi lại dòng suối Cheonggye” ở Hàn Quốc 

Với kinh nghiệm khơi lại dòng suối Cheonggyecheon ở Hàn Quốc cùng với những bước đi sử dụng nước thông minh ở TP. Cần Thơ sẽ giúp ngành du lịch, các nhà đầu tư có lòng tin trong khai thác du lịch, đầu tư các công trình phục vụ du lịch, phục vụ dân sinh, con người Cần Thơ yêu hơn nữa thành phố của mình, các nhà sản xuất sản phẩm du lịch thiết kế những đường tour đẹp mang đậm sắc màu văn hoá địa phương.

Dù TP. Cần Thơ có những cơ hội tích cực gián tiếp và trực tiếp song vẫn còn đó nhiều thách thức trong quy hoạch, trong nhận thức ở các cấp, các tầng lớp nhân dân, trong quyết định quản lý về phục hồi hệ sinh thái, quyết định việc cắt đường xả thải sinh hoạt của người dân theo các tuyến rạch, sông ở nội ô trung tâm thành phố, chuyển tải nước thải sinh hoạt ấy đến nơi xử lý hợp lý đến việc dẫn những tuyến, luồng nước sạch đến các phân khu chức năng của thành phố như khu dân cư, bệnh viện, trường học, khu thương mại, khu vui chơi giải trí, … là cách hướng những luồng không khí trong lành, ánh sáng, màu xanh tươi tắn đến với tất cả cộng đồng những cư dân bản xứ, khách du lịch cũng là tạo môi trường sống cho các loài động thực vật quay trở lại cùng hoà mình sống với con người . Việc có nhiều hơn những công trình xanh, những công trình có ý nghĩa văn hoá nghệ thuật cao đậm bản sắc văn hoá bản địa, việc cùng chung tay góp sức của cộng đồng để sáng tạo những công trình có ý nghĩa,… sẽ thổi những làn gió tươi mát mới biến thành phố Cần Thơ thành thành phố đáng yêu hơn và nhiều hơn nữa là một thành phố “đáng sống” cho vùng, cho khu vực, cho thế giới và cho những ai đã, đang và sẽ chọn Cần Thơ như quê hương.

Xin trích câu phát biểu của thầy Lê Văn Quới – vị Thầy kính yêu: “Tình yêu tổ quốc ở mỗi con người thường bắt đầu từ những điều bình thường nhất. Đó là lòng yêu một chiếc cầu, một bến sông, một vị ngọt của cây trái quê hương… Cũng từ tình yêu đó, khi tổ quốc lên tiếng gọi, nó sẽ trở thành dòng huyết chảy”./.

Lâm Văn Sơn /Theo Ashui.com


Nguồn Tạp chí kiến trúc Việt Nam
Cần Thơ – Thành phố Nước Thông minh Cần Thơ – Thành phố Nước Thông minh
910 1

Bài viết Cần Thơ – Thành phố Nước Thông minh

Chia sẻ bài viết

Cùng Chuyên Mục

Previous
Next Post »