Phát triển ổn định thị trường nhà ở và BĐS

11:04

Ngay từ đầu năm 2017 Bộ Xây dựng đã tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan đến nhà ở và thị trường BĐS. Trong đó, công tác phát triển nhà ở, trọng tâm là nhà ở xã hội theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở của người dân.

Thực hiện hiệu quả các chương trình nhà ở

Đối với Chương trình nhà ở cho người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Đã hoàn thành hỗ trợ được 116.967 hộ (với 61.080 hộ xây mới và 55.887 hộ sửa chữa, cải tạo), đang tiếp tục hỗ trợ cho khoảng 6.782 hộ. Dự kiến tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn 2 với tổng kinh phí cần hộ trợ khoảng 7.890 tỷ (trong đó, ngân sách Trung ương khoảng 7.300 tỷ đồng, ngân sách địa phương khoảng 590 tỷ đồng).

Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung: Triển khai giai đoạn mở rộng theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ, đến hết tháng 4/2017, các địa phương đã hỗ trợ được 12.946 hộ, đạt 52% so với kế hoạch. Vốn ngân sách Trung ương đã cấp 233/334 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 69,7%), đến tháng 12/2016 đã giải ngân được 168,405 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 72% so với nguồn vốn Trung ương đã cấp; số còn lại chưa cấp là 101 tỷ đồng (30,3%). Bộ đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép kéo dài kế hoạch thực hiện Chương trình đến cuối năm 2017.

Chương trình hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 – 2015 theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ dự kiến hỗ trợ cho khoảng 311 nghìn hộ trong giai đoạn 2016 – 2020, các địa phương cơ bản hoàn thành việc phê duyệt đề án và hoàn tất các điều kiện để triển khai. Đến nay, đã có 15.958 hộ dân được hỗ trợ vay vốn, tương đương 406 tỷ đồng được giải ngân.

Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL (giai đoạn 2) theo Quyết định số 1151/QĐ-TTg ngày 26/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ: Cuối năm 2016, Bộ Xây dựng đã lập Đoàn công tác liên ngành đến kiểm tra thực tế tại một số cụm tuyến dân cư và làm việc với Ban chỉ đạo Chương trình tại các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang và TP Cần Thơ. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Bộ đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đánh giá hiệu quả của Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ĐBSCL và đề xuất giải pháp giải quyết các tồn tại, cũng như việc bố trí vốn để thực hiện chương trình giai đoạn 2016 – 2020.

Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, công nhân KCN, học sinh, sinh viên: Hiện nay, cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 179 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 71.150 căn hộ, tương đương với khoảng 3,7 triệu m2, tổng mức đầu tư khoảng 25.900 tỷ đồng; các địa phương trên cả nước đang tiếp tục triển khai 191 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 163.800 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 71.800 tỷ đồng.

Chương trình nhà ở sinh viên đã hoàn thành 88/95 dự án, 7 dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện, giải quyết chỗ ở cho khoảng gần 200 nghìn sinh viên. Số lượng sinh viên, học sinh đã được bố trí vào ở đạt tỷ lệ bình quân khoảng 82%.

Bảo đảm thị trường BĐS hoạt động ổn định, thông suốt

Nhằm tăng cường kiểm soát và quản lý để bảo đảm thị trường BĐS hoạt động ổn định, thông suốt và hiệu quả, năm 2017, Bộ tiếp tục triển khai thực hiện các quy định mới của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS và các văn bản hướng dẫn thực hiện vừa tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi để thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển thị trường BĐS, vừa đảm bảo yêu cầu tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước để kiểm soát thị trường phát triển ổn định, lành mạnh; tập trung nghiên cứu “Đề án đánh giá tình hình thị trường, dự báo xu hướng trung hạn, đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách để thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh”.

Trong đó, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu thị trường BĐS gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội; phối hợp với các địa phương rà soát, phân loại, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm hàng hóa các dự án phát triển nhà ở, KĐT mới cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, phù hợp kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương, bảo đảm cân đối cung – cầu hàng hóa nhà ở, đẩy mạnh phát triển nhà ở cho thuê; chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác phát triển nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội thông qua các chương trình hỗ trợ nhà ở; đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ bố trí nguồn vốn ngân sách để thực hiện hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 100/2015/NĐ-CP.

Nhờ đó, thị trường BĐS 6 tháng đầu năm 2017 tiếp tục duy trì sự ổn định thể hiện qua các yếu tố: Giá cả, số lượng giao dịch, tính thanh khoản ổn định, không có nhiều biến động, tồn kho tiếp tục giảm, tín dụng trong lĩnh vực BĐS tiếp tục tăng trưởng; thị trường BĐS du lịch, nghỉ dưỡng tại một số địa phương ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) phát triển mạnh đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật về nhà ở và thị trường BĐS trên phạm vi toàn quốc. Đặc biệt với loại hình BĐS nghỉ dưỡng, Bộ đã yêu cầu các địa phương báo cáo tình hình thực hiện các dự án khu đô thị, dự án phát triển nhà ở và dự án BĐS nghỉ dưỡng quy mô lớn; thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra tình hình thực hiện các dự án KĐT, dự án phát triển nhà ở và dự án BĐS nghỉ dưỡng quy mô lớn tại các địa phương lớn trên cả nước…

Linh Anh/BXD


Nguồn Tạp chí kiến trúc Việt Nam
Phát triển ổn định thị trường nhà ở và BĐS Phát triển ổn định thị trường nhà ở và BĐS
910 1

Bài viết Phát triển ổn định thị trường nhà ở và BĐS

Chia sẻ bài viết

Cùng Chuyên Mục

Previous
Next Post »