(Xây dựng) – Sự phát triển của đô thị, bùng nổ các tòa nhà cao tầng, đòi hỏi các đơn vị quản lý tòa nhà nội sẽ theo xu hướng tất yếu dù còn non trẻ vẫn phải vươn lên, liên kết cùng nhau, có tổ chức nghề nghiệp đứng ra bảo vệ quyền lợi và hỗ trợ pháp lý để chuyên nghiệp hóa, rút ngắn khoảng cách với các đơn vị quản lý nước ngoài.
“Trong lĩnh vực nhân sự đối với công tác quản lý BĐS hiện nay, Việt Nam mới chỉ chập chững trong bước đầu để quản lý tòa nhà theo cách chuyên nghiệp” – Ông Nguyễn Thanh Hùng – Phó chủ tịch Hiệp hội Quản lý & Bảo trì Tòa nhà Việt Nam, Tổng giám đốc Cty CP Kinh doanh Dịch vụ Quản lý BĐS Homecare (Homecare) chia sẻ với Báo Xây dựng.
Có ý kiến cho rằng các Cty quản lý tòa nhà của Việt Nam bị lép vế trên sân nhà. Ông nhận định về vấn đề này như thế nào?
– Quy định định biên lợi nhuận là yếu tố kìm hãm sự phát triển chuyên nghiệp của các Cty quản lý BĐS trong nước. Định biên lợi nhuận quản lý với tỷ lệ 5 – 10% là con số khá khiêm tốn để các Cty tái đầu tư phát triển nguồn nhân lực cũng như đầu tư vào những trang thiết bị để phát triển doanh nghiệp tốt nhất. Nhưng yếu tố này có thể tự cải thiện được khi chúng ta tự thỏa thuận mức lương cho nhân sự cao cấp khi đàm phán với chủ đầu tư.
Vậy làm sao để có thể thu hẹp khoảng cách đơn vị quản lý tòa nhà trong nước với nước ngoài, thưa ông?
– Chúng tôi đã từng làm việc và tìm hiểu luật pháp ở các nước trong khu vực, họ sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam nếu chúng ta có một nền tảng vững chắc, đó chính là luật pháp và quy định được Chính phủ và Quốc hội thông qua về bảo trì, công tác quản lý tòa nhà.
Sau đó, cần có một tổ chức xã hội nghề nghiệp cấp chứng chỉ cho các tổ chức, thành viên liên quan đến lĩnh vực như khách sạn, resort, chung cư, trung tâm thương mại… Như vậy, chúng ta mới chuyên nghiệp và bắt kịp trình độ với các bạn trong khu vực.
Xin ông chia sẻ rõ hơn về vai trò của Hiệp hội Quản lý & Bảo trì Tòa nhà Việt Nam trong công tác cải thiện chất lượng đội ngũ quản lý và nhân sự trong ngành quản lý tòa nhà ở Việt Nam và kế hoạch của Hiệp hội trong việc vận động sự tham gia tích cực hơn của DN để cùng giải quyết vấn đề này trong thời gian tới?
– Hiệp hội đã tổ chức các buổi workshop chuyên đề cho hội viên Hiệp hội. Hiệp hội hiện cũng đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng xây dựng một bản tin liên quan đến lĩnh vực quản lý bảo trì tòa nhà và dự kiến sẽ phát hành bản tin này trong tháng 7. Chúng tôi cũng sẽ phát hành tờ bản tin đến các ban quản trị chung cư, các Cty quản lý tòa nhà… để mong muốn truyền đạt thông tin, trao đổi góp ý, đóng góp tiếng nói hiệu quả trong công tác quản lý tòa nhà.
Chúng tôi hy vọng, đây sẽ là nơi để các doanh nghiệp liên quan đến quản lý tòa nhà và những lĩnh vực liên quan đến tòa nhà có thể để trao đổi kiến thức quản lý, từ đó có kiến nghị phù hợp với cơ quan quản lý nhà nước để hoàn thiện dần luật pháp quản lý BĐS nói chung và quản lý tòa nhà nói riêng. Bởi pháp luật Việt Nam liên quan đến lĩnh vực BĐS còn rất nhiều điểm bất cập, cần thay đổi cho phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của đô thị và thị trường BĐS. Nếu hoàn thiện nền tảng luật pháp tốt thì việc thực thi sẽ đơn giản hơn, hạn chế việc khiếu kiện, biểu tình mà người dân vẫn hay diễn ra tại nhiều dự án chung cư trên cả nước…
Được biết, Cty Homecare năm 2016 cũng đã được Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS – Bộ Xây dựng ký quyết định cho phép thành lập trung tâm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về quản lý vận hành nhà chung cư với tên gọi Trung tâm Đào tạo Homecare. Vậy Trung tâm Đào tạo Homecare có điểm khác biệt nào so với các trung tâm đào tạo khác trên thị trường, thưa ông?
– Trung tâm Đào tạo Homecare đặt chất lượng đào tạo và xây dựng uy tín của trung tâm là ưu tiên hàng đầu, thay vì hướng tới thu lợi nhuận từ công tác đào tạo. Bất cứ khóa học nào được tổ chức bởi Trung tâm Đào tạo Homecare cũng phải theo đúng tiêu chí, đảm bảo chất lượng đầu ra, và để học viên sau khi học khóa đào tạo này sẽ yên tâm trong công tác quản lý tòa nhà.
Bản thân tôi cũng đã dành nhiều tâm huyết để xây dựng giáo trình cho trung tâm đào tạo này bởi tôi cho rằng, nếu muốn cạnh tranh với các đơn vị nước ngoài, thì bắt buộc phải có một đội ngũ người lao động được đào tạo chuyên nghiệp và bài bản. Do đó, sẽ không bao giờ có trường hợp bán chứng chỉ ở Trung tâm Đào tạo Homecare. Chính vì lí do này, nhiều chủ đầu tư và các tập đoàn danh tiếng đã tin cậy chúng tôi và mời chúng tôi tổ chức các lớp đào tạo về quản lý tòa nhà cho nhân viên của doanh nghiệp họ.
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), với xu hướng hiện tại của làn sóng di cư đô thị ở Việt Nam, tỷ lệ dân số sống ở thành thị được dự báo sẽ tăng gần 50% vào năm 2040, tức là cần thêm khoảng 374.000 căn hộ trong các TP mỗi năm để đáp ứng nhu cầu. Vì vậy có thể nói, quản lý tòa nhà sẽ là ngành nghề hot của tương lai khi đô thị hóa phát triển mạnh mẽ, sẽ có tổ chức, cá nhân để vận hành quản lý BĐS. Vì thế, chúng ta cần hoạt động có tính pháp lý, có tổ chức xã hội nghề nghiệp đánh giá quản lý hoạt động này, sau đó phải kiểm tra định kỳ dựa trên tiêu chí: Các hệ thống thiết bị, phòng cháy chữa cháy, quan trắc môi trường, quản lý vận hành, nhân sự… Nếu chúng ta làm được việc này thì hoạt động quản lý tòa nhà trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung sẽ ngày càng trở nên chuyên nghiệp, an toàn và hiệu quả hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn Tạp chí kiến trúc Việt Nam
EmoticonEmoticon