Thông tư 17: Cần thiết hay gây khó?

15:55

(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Ngày 30/06/2016, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 17/2016/TT-BXD về Hướng dẫn về năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng nhằm thiết lập hệ thống các tiêu chuẩn để cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực Kiến trúc – Xây dựng. Qua quá trình triển khai, nhiều ý kiến của giới kiến trúc sư cho rằng một số các nội dung của Thông tư 17 cần được hiệu chỉnh hoàn thiện để đáp ứng tốt hơn trong hành nghề kiến trúc trên cơ sở các yêu cầu  thực tiễn đặt ra hiện nay.  Để đóng góp cho vấn đề này, ngày 8/6/2017, Hội KTS Việt Nam và Bộ Xây dựng đã có cuộc tọa đàm để cùng nhìn nhận lại vấn đề trên. Tuy nhiên, sau tọa đàm vẫn còn nhiều những băn khoăn, trăn trở. Xét thấy đây không chỉ dừng lại ở câu chuyện hành nghề và thông tư 17, mà còn là vấn đề của đào tạo và quản lý. Tạp chí KTVN xin chia sẻ ý kiến đóng góp của Ths Kts Nguyễn Huy Khanh. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Toạ đàm mở rộng về Thông tư 17 - 17/2016/TT-BXD về Hướng dẫn về năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây do Hội KTSVN tổ chức ngày 8/6/2017

Toạ đàm mở rộng về Thông tư 17 – 17/2016/TT-BXD về Hướng dẫn về năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây do Hội KTSVN tổ chức ngày 8/6/2017

Cần đổi mới nhưng giải pháp hoàn thiện còn để ngỏ…
Qua theo dõi việc trao đổi giữa các chuyên gia thuộc Hội KTSVN với đại diện của Bộ Xây dựng về của Thông tư 17 tại Toạ đàm ngày 8/6/2017 vừa qua trên cơ sở ý kiến trao đổi của các thành viên tham dự hội thảo, với góc nhìn của một KTS đang hành nghề, có trách nhiệm cùng với các đồng nghiệp mong muốn tạo dựng môi trường hành nghề trong sạch và lành mạnh hơn, tôi nhận thấy cần trao đổi lại các vấn đề sau:
1. Nhìn chung, đa phần các ý kiến cho là Thông tư 17 gây phiền hà cho giới nghề. Tuy nhiên, chưa ai phản bác được một cách rõ nét sự cần thiết của việc cấp chứng chỉ hành nghề KTS? Thực tế, chỉ có ở Việt Nam đang còn “coi nhẹ” việc này. Tại các quốc gia trên thế giới, công tác quản lý không cho phép sinh viên kiến trúc sau khi tốt nghiệp được hành nghề một cách “tự nhiên”. Có tấm bằng tốt nghiệp đại học mới chỉ là bước đầu tiên trên một hành trình dài để được hành nghề kiến trúc thực thụ.
2. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng quy trình cấp chứng chỉ có nhiều công đoạn không cần thiết, đặc biệt là việc làm bài thi sát hạch. Tuy nhiên, cũng không có ý kiến nào đề xuất được các giải pháp khả thi thay thế để đảm bảo hiệu quả và đánh giá minh bạch và công bằng cho các KTS để làm rõ sự cập nhật nghề nghiệp của các KTS hay không (các kiến thức cả pháp luật lẫn chuyên môn). Từ một góc đánh giá khác, liệu đây có phải do xuất phát là tâm lý ngại học? ngại thi cử? và lý do biện minh vì “Kiến trúc” là ngành đặc thù, là sáng tạo … không thể mang tính thuyết phục. Trong khi đó, thông lệ quốc tế, việc thi sát hạch để cấp phép hành nghề là bắt buộc và không miễn trừ bao gồm cả ngành kiến trúc.
3. Nhiều ý kiến muốn quay lại cách làm trước đây, tức là chỉ cần kê khai và công nhận. Tuy nhiên, cũng không có ý kiến đề xuất giải pháp khắc phục triệt để sự “cảm tính” trong đánh giá và rồi cũng sẽ phụ thuộc cao vào “ý kiến chủ quan của người thẩm tra và đơn vị cấp phép” hay không? Nếu không đổi mới, rập khuôn lại theo cách cũ, sẽ lại rơi vào tình trạng duyệt – cho và không tạo ra bất cứ cơ hội – áp lực nào cho việc trau dồi kiến thức của giới nghề.
4. Nhiều ý kiến cho rằng, việc cấp phép hành nghề kiến trúc nên giao cho các Hội Nghề nghiệp. Đây là ý kiến nên được ủng hộ bởi phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, nhìn vào các Hội Nghề nghiệp hiện nay, để triển khai liệu có chắc thời gian không bị kéo dài và không gây ách tắc? Để tổ chức thi sát hạch được, các Hội sẽ phải đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống máy tính, phần mềm, nhân sự … Lộ trình để chuyển giao từ cơ quan cấp phép hiện nay là Sở Xây dựng sang các Hội hay địa phương vẫn còn bỏ ngỏ.

Các kiến trúc sư tham dự thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề trên phần mềm máy tính

Các kiến trúc sư tham dự thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề trên phần mềm máy tính

Phép đối chiếu từ thông lệ quốc tế
Để làm cơ sở cho các ý kiến trên, xin lấy ví dụ về hệ thống đánh giá cấp chứng chỉ hành nghề của KTS tại Mỹ và Anh.
Mỹ:
Ở Mỹ số kiến trúc sư được cấp phép ít hơn luật sư và bác sĩ. Trước khi bắt đầu nghiên cứu làm thế nào để trở thành một kiến trúc sư được cấp phép có hai điều mà mỗi KTS cần ghi nhớ:
Tuy vẫn có các tiêu chuẩn quốc gia, nhưng “MỖI BANG ĐỀU CÓ GIẤY PHÉP RIÊNG VÀ YÊU CẦU RIÊNG”. Quá trình này yêu cầu sự cập nhật liên tục, bởi các bang liên tục thêm một số yêu cầu cho các KTS trong giai đoạn thử tay nghề hoặc thực tập. Để trở thành một kiến trúc sư cần có bốn bước cơ bản :
Bước 1. Học Đại học
Muốn trở thành KTS, sinh viên cần tốt nghiệp bậc đào tạo đại học. Hiện có khoảng 150 trường được công nhận đào tạo KTS với một chương trình đào tạo đã được công nhận. Có một vài trình độ mà có thể chấp nhận đủ điều kiện trong hành nghề kiến trúc gồm: Cử nhân Kiến trúc (BArch) – Mức cơ bản, bằng đại học. Các chương trình của BArch là các chương trình 5 năm; Thạc sĩ Kiến trúc (MArch); Tiến sĩ Kiến trúc (DArch) – Vô cùng hiếm.
Bước 2. Đi thực tập. Để trở thành kiến trúc sư, hành nghề sau khi học xong, sinh viên tốt nghiệp sẽ cần làm việc cho một công ty kiến trúc. Trong khi làm việc với mức lương (thấp), sinh viên tốt nghiệp sẽ hoàn thành số giờ thực tập của mình. Có một hệ thống để quy định việc thực tập mang tính đau đầu này và nó được gọi là Chương trình Phát triển Thực tập (IDP). IDP liên quan đến việc ghi lại giờ làm việc. Tuy nhiên mục đích của IDP là tốt: cung cấp cho các chuyên gia trẻ các kinh nghiệm tốt trong lĩnh vực kiến trúc.
Để hoàn thành IPD đòi hỏi phải có 700 đơn vị đào tạo (8 giờ mỗi đơn vị và tương đương 3 năm quy đổi) được chia thành 16 loại hoặc bao gồm nhiều loại công việc mà kiến trúc sư phải làm. Chương trình này nhằm mục đích giáo dục tốt hơn thực tập sinh và ngăn chặn các chuyên gia trẻ bị lạm dụng bằng cách chỉ cho họ các công việc lặp đi lặp lại (chi tiết cầu thang, khu wc ..), mà còn thiếu đào tạo các kiến thức thực tế cần thiết.
Bước 3. Thi sát hạch. Sau những ngày này, các kiến trúc sư tiềm năng phải tham gia một bài kiểm tra viết trong 04 ngày, được tổ chức mỗi năm một lần. Từ năm 1997, bài thi quốc gia đã được máy tính hóa, cho phép ứng viên có cơ hội để tham gia các phần khác nhau của kỳ thi theo bất kỳ trật tự nào và bất cứ lúc nào họ có thể theo giấy hẹn tại trung tâm kiểm thử máy tính địa phương.
Thi cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc (ARE) có nhiều cách thức hoặc nhiều bài kiểm tra mà tất cả phải được vượt qua. Để lấy ARE, phải vượt qua 9 bài kiểm tra. Hiện có 7 cách thức của việc kiểm tra kết hợp bao gồm: đa sự lựa chọn, điền vào chỗ trống, và cả phần đồ họa, đòi hỏi người đi thi vẽ và tạo chi tiết trong chương trình CAD.
Bước 4. Đăng ký giấy phép. Khi đã hoàn thành ba bước trên, cần phải đăng ký (nghĩa là phải trả phí) với bang (hoặc nhiều bang) và xác minh hoàn thành các yêu cầu. Một khi đã được cấp phép, có thể chính thức gọi mình là một kiến trúc sư hành nghề.
Kiến trúc sư có thể đặt tên viết tắt R.A (Kiến trúc sư đăng ký) sau tên của họ, nhưng phổ biến hơn là AIA (American Institute of Architects), có nghĩa là họ là thành viên của hiệp hội nghề nghiệp quốc gia của các kiến trúc sư đã được cấp phép. Nhiều bang (và AIA) có yêu cầu về giáo dục thường xuyên, có nghĩa là kiến trúc sư phải lập hồ sơ giờ học tập trong các chủ đề liên quan đến nghề nghiệp để gia hạn giấy phép của họ.
Ở Anh:
Khác với Việt Nam, không phải cứ tốt nghiệp đại học ngành kiến trúc thì được gọi là Kiến trúc sư. Kiến trúc sư chỉ được công nhận về mặt pháp lý (ký tên lên bản vẽ) khi kiến thức ở bậc đại học được đào sâu và thực tiễn hóa hơn. Anh là một quốc gia nằm trong khối EU. Để được công nhận là kiến trúc sư không chỉ ở Anh mà toàn EU, RIBA (Royal Institute of British Architects) – giống như Hội Kiến Trúc Sư Việt Nam – bắt buộc phải trải 5 giai đoạn sau:
RIBA (Part 1): Tốt nghiệp đại học mức độ cử nhân trong 4 năm (so với một số ngành khác chỉ 3 năm) với các đặc điểm: Học liên tục trong 3 năm, thời gian làm đồ án môn học và tốt nghiệp làm ngoài giờ trong 3 năm này; Thực tập 1 năm. Đợt thực tập này thường là năm thứ 3 của khóa học. Sau khi hoàn tất, thực tập sinh phải làm báo cáo (có chữ ký của Kiến trúc sư nơi đã thực tập) gửi về trường mới được tiếp tục năm cuối và làm tốt nhiệp. Kiến trúc sư nhận thực tập sinh phải gửi báo cáo về RIBA để nhận xét nội dung giảng dạy của cơ sở đào tạo. Cơ sở để RIBA khuyến cáo nội dung đào tạo gồm kinh nghiệm ký thuật (Technical Experience/Year Out), yêu cầu thu thập kinh nghiệm làm việc ít nhất là 1 năm. Những kinh nghiệm học được lưu lại trên trang Website của PERD (The Professional Experience and Development Record) được giám sát của PSA (Professional Studies Advisor – Cố vấn chuyên môn) mà bất cứ một cơ sở đào tạo nào cũng phải thành lập. RIBA cũng góp phần vào PERD.
RIBA (Part 2): Học trong hai năm để đạt trình độ M.Arch hay B.Arch hay Diploma tùy trường. Nội dung tập trung vào nâng cao kiến thức của Part 1. Nội dung kiến trúc cần có bao gồm: Kinh nghiệm thực hành (Practical Experience). sinh viên tốt nghiệp học trong 24 tháng liên tục (có thể ngoài giờ) và phải dự thi cấp quốc gia. Phải có ít nhất 12 tháng thực tập dưới sự hướng dẫn và giám sát của một Kiến trúc sư.
RIBA (Part 3), thí sinh dự tuyển muốn cấp phép phải có đầy đủ Kết quả của Stage 2 đã được lưu trữ trên Website PERD, lý lịch nghề nghiệp và đánh giá kết quả công việc, một đồ án nghiên cứu cụ thể (Case Study). Thí sinh cũng phải vượt qua 2 kỳ thi gồm: kỳ thi viết (Written examination) và kỳ thi vấn đáp (Oral Examination).
Một người sau khi đã hoàn tất 5 phần trên sẽ đến Architects Registration Board (ARB) để đăng ký. Lúc này người đó mới trở thành Kiến trúc sư. Từ đây, cụm từ “Kiến Trúc Sư” được bảo vệ bởi luật pháp và xã hội khi thuê họ làm việc cho mình thì tự tin rằng mình đang làm việc với một người chuyên môn đầy đủ tiêu chuẩn. Cũng vào thời điểm đăng ký, người đó trở thành hội viên của RIBA.

Chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư tại bang California (Hoa Kỳ)

Chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư tại bang California (Hoa Kỳ)

Các kiến trúc sư được cấp chứng chỉ hành nghề RIBA năm 2016 tại Oxford (Anh)

Các kiến trúc sư được cấp chứng chỉ hành nghề RIBA năm 2016 tại Oxford (Anh)

Kết luận
Đánh giá chung, trong quá trình thực hiện Thông tư 17, có những vấn đề “nhậy cảm” rất cần được điều chỉnh, cải tiến và sửa đổi, nhưng trước khi bác bỏ gần như hoàn toàn hoặc không đồng tình xây dựng như dư luận, cũng cần có một cái nhìn rộng hơn, đặc biệt rất cần có yếu tố ” HỘI NHẬP” đúng như lời của một số chuyên gia phát biểu trong buổi Toạ đàm vừa qua. Rất cần có những đánh giá trao đổi và làm rõ thêm về vấn đề này để đóng góp có hiệu quả cho đổi mới môi trường hành nghề kiến trúc ở Việt Nam trong thời gian tới./.

THS KTS NGUYỄN HUY KHANH

TẠP CHÍ KTVN SỐ 207 – 2017


Nguồn Tạp chí kiến trúc Việt Nam
Thông tư 17: Cần thiết hay gây khó? Thông tư 17: Cần thiết hay gây khó?
910 1

Bài viết Thông tư 17: Cần thiết hay gây khó?

Chia sẻ bài viết

Cùng Chuyên Mục

Previous
Next Post »