Ngày 5/5, tại Cty CP DAP – Vinachem, chủ đầu tư Nhà máy Phân bón hóa chất DAP Đình Vũ (Hải Phòng), Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh và Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội Lê Hồng Tịnh đã đồng chủ trì hội nghị bàn giải pháp xử lý chất thải phosphogysum (PG) của Nhà máy phân bón hóa chất DAP Đình Vũ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Hồng Tịnh cùng Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh đồng chủ trì hội nghị
Tham dự hội nghị còn có đại diện Văn phòng Chính phủ, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng, Bộ KH&CN, Tổng cục Môi trường, Sở TN&MT Hải Phòng, Sở KH&MT Hải Phòng, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, TCty công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM)…
2 cơ sở pháp lý quan trọng cùng được ban hành trong tháng 4/1017
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng gồm Vụ Vật liệu xây dựng, Vụ Khoa học công nghệ, Viện Vật liệu xây dựng đã báo cáo tổng hợp tình hình liên quan đến việc xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất và phân bón.
Theo đó, thực hiện quyết định 1696/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, phân bón hóa chất để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây duựng (VLXD), thời gian qua, các Bộ, địa phương đã tích cực triển khai nhiệm vụ được giao. Các chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện đã quan tâm thực hiện việc xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao thải ra với các hình thức khác nhau và đã đạt được một số kết quả bước đầu.
Một số cơ sở sản xuất VLXD đã nghiên cứu, đầu tư công nghệ để có thể sử dụng tro, xỉ, thạch cao thay thế nguyên liệu trong sản xuất vật liệu xây không nung, sản xuất xi măng, bê tông, làm vật liệu san lấp trong các công trình xây dựng.
Tuy nhiên, lượng tro, xỉ, thạch cao được xử lý và đưa vào sử dụng vẫn còn hạn chế. Theo số liệu điều tra thực tế, tổng lượng tro, xỉ, thạch cao chỉ tiêu thụ được vào khoảng hơn 30% (tương đương 5 triệu tấn/năm) so với tổng lượng thải ra hàng năm.
Nhằm tăng cường cải thiện tình hình, ngày 12/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 452/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón để làm nguyên liệu sản xuất VLXD và sử dụng trong các công trình xây dựng. Mục tiêu của Đề án là đẩy mạnh sử dụng, tái sử dụng tro, xỉ, thạch cao PG đế đến năm 2020, lượng tồn trữ tại bãi chứa của từng nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón nhỏ hơn tổng lượng phát thải trong 2 năm sản xuất; Từ nay đến năm 2020, xử lý và tái sử dụng làm nguyên liệu sản xuất VLXD và sử dụng trong các công trình xây dựng chiếm 52% tổng lượng tích lũy (Tổng lượng tích lũy đến năm 2020 khoảng 75 triệu tấn, bao gồm 56 triệu tấn tro, xỉ nhiệt điện, 2,5 triệu tấn thạch cao FGD, 16,5 triệu tấn thạch cao PG)…
Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh và Phó Chủ nhiệm Lê Hồng Tịnh thị sát công nghệ xử lý bã thải PG của Cty CP Thạch cao Đình Vũ
Đáng mừng hơn nữa là mới đây, ngày 27/4, Bộ KHCN đã có quyết định 936/QĐ- BKHCN công bố tiêu TCVN 11833:2017 thạch cao phospho (thạch cao nhân tạo) dùng để sản xuất xi măng.
Để tiếp tục hoàn hiện các căn cứ pháp lý trong việc sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất VLXD và sử dụng trong các công trình xây dựng, Bộ Xây dựng đã và đang chỉ đạo xây dựng tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật và định mức kinh tế kỹ thuật. Dự kiến, trong năm 2017 – 2018, các tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật và định mức sẽ được ban hành.
Đã xử lý thành công bã thải PG thành thạch cao nhân tạo
Liên quan đến việc xử lý bã thải PG tại Nhà máy sản xuất phân bón DAP Đình Vũ, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo, hướng dẫn các DN sản xuất xi măng, VLXD trong nước tích cực sử dụng nguồn thạch cao nhân tạo sản xuất trong nước. Cụ thể, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi TCty VICEM, đề nghị TCty chỉ đạo các nhà máy xi măng nghiêm túc triển khai thực hiện việc nghiên cứu, sử dụng tối đa tro xỉ, thạch cao, thay thế đất sét và làm phụ gia trong việc sản xuất xi măng…
Theo đại diện của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, TCty VICEM, Cty CP DAP – Vinachem, Cty CP Thạch cao Đình Vũ, Cty CP Sông Đà Cao Cường, thời gian qua, các đơn vị này đã chủ động phối hợp nghiên cứu, đề xuất các giải pháp xử lý bãi thải Nhà máy sản xuất phân bón DAP Đình Vũ. Đặc biệtCty CP Sông Đà Cao Cường đã chủ trì thực hiện đề tài khoa học cấp quốc gia “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, thiết chế chế tạo dây chuyển xử lý PG của DAP Đình Vũ, làm phụ gia cho xi măng và làm nguyên liệu để sản xuất tấm thạch cao xây dựng”.
Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh chỉ đạo Cty CP Thạch cao Đình Vũ tiếp tục hoàn thiện công nghệ và sớm nâng công suất dây chuyền xử lý bã thải PG
Chủ tịch HĐQT Cty CP Thạch cao Đình Vũ, ông Kiều Văn Mát cho biết: Ngay sau khi được thành lập (năm 2010), Cty đã huy động vốn để triển khai dự án xử lý bã thải PG tại DAP Đình Vũ để sản xuất thạch cao phospho và chủ động phối hợp với các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu, thiết kế, chế tạo đồng bộ dây chuyền công nghệ, với giá trị đầu tư khoảng 245 tỷ đồng.
Đến nay, Cty đã hoàn thiện công nghệ xử lý bã thải PG tạo ra sản phẩm thạch cao nhân tạo dạng bột, viên làm phụ gia sản xuất xi măng và các VLXD khác. Sản phẩm này đã được thử nghiệm tại Viện VLXD và đưa vào sản xuất thử nghiệm công nghiệp tại các nhà máy xi măng Hoàng Thạch, Hải Phòng, Bút Sơn, Tam Điệp, Nghi Sơn và được đánh giá đạt yêu cầu. Sau nhiều lần thí nghiệm, Cty Xi măng Nghi Sơn với vốn đầu tư Nhật Bản đã chính thức ký hợp đồng mua thạch cao phospho của Cty CP Thạch cao Đình Vũ để phục vụ sản xuất xi măng cho năm 2017 và các năm tiếp theo.
Ông Mát cho biết: Đến ngày 5/5/2017, Cty CP Thạch cao Đình Vũ đã hoàn thành giai đoạn 1 với công suất 650.000 tấn/năm. Sau khi sản xuất và tiêu thụ ổn định, Cty sẽ tiếp tục lắp đặt bổ sung và hoàn thiện đồng bộ dây chuyền công nghệ, dự kiến sẽ đạt công suất 1,2 triệu tấn thạch cao bột và 1 triệu tấn thạch cao viên trong năm 2017. Như vậy, Cty sẽ xử lý hết lượng bã thải PG tồn đọng cũng như lượng bã thải phát sinh hàng năm. Trong thời gian tới, Cty sẽ triển khai cung cấp thạch cao cho các nhà máy xi măng phía Bắc như nhà máy xi măng Sông Thao, xi măng Thăng Long…
Ông Mát cũng đề xuất một số kiến nghị liên quan đến chính sách và cơ chế như được vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp để hạ giá thành sản phẩm; miễn thuế VAT 5-7 năm đối với đơn vị sản xuất và sử dụng thạch cao phospho; Bộ Xây dựng chỉ đạo, khuyến khích các đơn vị sử dụng thạch cao phospho sản xuất trong nước thay thế thạch cao tự nhiên nhập khẩu; TP Hải Phòng cấp thêm đất từ bãi chứa của Cty DAP Đình Vũ để Cty CP Thạch cao Đình Vũ có đủ diện tích phục vụ sản xuất…
Cần đẩy mạnh tiêu thu thạch cao nhân tạo sản xuất trong nước
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị đánh giá cao việc Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị tìm giải pháp xử lý tro, xỉ, thạch cao các nhà máy nhiệt điện, hóa chất phân bón, ngay tại một trong những “điểm nóng” là Cty CP DAP – Vinachem. Hiện bãi thải của Nhà máy DAP Đình Vũ đã tồn hơn 2,5 triệu tấn, chất cao như núi và hàng năm nhà máy tiếp tục thải ra khoảng 600.000 tấn bã thải PG.
Đại diện các đơn vị cũng đánh giá cao Bộ Xây dựng trong việc khẩn trương nghiên cứu, hoàn thành dự thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 452/QĐ- TTg; đề nghị Bộ KHCN công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11833:2017; Đánh giá cao Cty CP DAP – Vinachem trong việc chủ động góp vốn đầu tư cho Cty CP Thạch cao Đình Vũ nhằm tìm kiếm các giải pháp xử lý bã thải; Cty CP Thạch cao Đình Vũ đã chủ động phối hợp với các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu, thiết kế, hoàn thiện công nghệ xử lý chất thải PG để sản xuất thạch cao phospho. Đây là lĩnh vực công nghệ chưa được quan tâm, phổ biến nhiều ở các nước nên các đơn vị ở Việt Nam không thể nhập được thiết bị công nghệ đồng bộ để sản xuất.
Tuy nhiên, đại diện các đơn vị cũng cho rằng trong việc xử lý bã thải PG, không nên để cho một đơn vị độc quyền. Dây chuyền công nghệ xử lý cần được hoàn thiện và nâng cao công suất thì mới đủ đáp ứng yêu cầu thực tế. Sản phẩm thạch cao nhân tạo nếu hội tụ các yếu tố 3 chất lượng, hiệu quả kinh tế, bảo đảm môi trường thì cần đẩy mạnh việc tiêu thụ, trên tinh thần “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, thay cho việc nhập khẩu thạch cao tự nhiên từ nước ngoài. Việc tiêu thu sản phẩm thạch cao nhân tạo cần được mở rộng bởi chỉ riêng ngành sản xuất xi măng thì không thể tiêu thụ hết được lượng thạch cao sản xuất ra hàng năm.
Các đại diện của TP Hải Phòng thì bày tỏ rõ quan điểm Hải Phòng ủng hộ việc Cty CP Thạch Cao Đình Vũ xử lý bãi thải của Nhà máy Phân bón hóa chất DAP Đình Vũ như cương quyết phản đối việc đưa bã thải từ các địa phương khác về Hải Phòng xử lý.
Bộ Xây dựng chấp hành nghiêm túc nhiệm vụ Chính phủ giao
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT của Quốc Hội Lê Hồng Tịnh nhận định: Vấn đề xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, phân bón hóa chất hiện nay rất bức xúc. Giữa các bộ ngành liên quan đã có sự phối hợp nhưng vẫn chưa kịp thời. Các bộ cần tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh việc xử lý tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất VLXD. Bộ Xây dựng cần sớm chỉ đạo nghiên cứu tiêu chuẩn tro, xỉ sau xử lý để làm nguyên liệu sản xuất VLXD, vật liệu san lấp. Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh cát xây dựng đang khan hiếm.
Thạch cao nhân tạo là thành phẩm dây chuyền xử lý bã thải PG
Phó Chủ nhiệm tán thành quan điểm không để duy nhất một đơn vị tập trung xử lý nhưng cần cân đối công suất các nhà máy xử lý. TCty VICEM là DN nhà nước, trong lúc này cũng cần gánh thêm nhiệm vụ tiêu thụ sản phẩm thạch cao nhân tạo sản xuất trong nước thay thế thạch cao tự nhiên nhập khẩu, góp phầnbảo vệ môi trường…
Phó Chủ nhiệm đề nghị Bộ TN&MT không máy móc trong việc yêu cầu đơn vị sử dụng thạch cao nhân tạo trong sản xuất VLXD đánh giá lại tác động môi trường. Với DN xử lý tro, xỉ, thạch cao PG như Cty CP Thạch Cao Đình Vũ, các Bộ, ngành cần tạo điều kiện ủng hộ thông qua các cơ chế, chính sách ưu đãi. TP Hải Phòng cần tạo điều kiện về đất đai phục vụ sản xuất cho DN. Ủy ban KH,CN&MT cũng sẽ có ý kiến trên diễn đàn Quốc hội về các vấn đề này.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh cho biết: Bộ Xây dựng sẽ tổng hơp các ý kiến tại hội nghị và báo cáo Chính phủ. Thứ trưởng nhấn mạnh: Cơ sở pháp lý trong việc xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, phân bón hóa chất đã rất rõ, có từ năm 2014 với quyết định1696/QĐ-TTg và các chỉ đạo của các Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Vương Đình Huệ… Và mới đây nhất, Bộ Xây dựng đã phối hợp các bộ ngành để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 452/QĐ-TTg, trong đó đề cập rõ trách nhiệm các bộ, ngành.
Thứ trưởng cho biết: Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến công tác xử lý tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất VLXD đang tiếp tục hoàn thiện. Mới đây, TCVN 11833:2017 đã được ban hành, là tiêu chuẩn cực kỳ quan trọng trong việc dùng thạch cao phospho để sản xuất xi măng. Tới đây, các bộ Bộ Xây dựng, Công thương, TN&MT, KH&CN, GTVT, NN&PTNT với trách nhiệm của mình, tiếp tục phối hợp nghiên cứu, soạn thảo, đề xuất ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến việc sử dụng các phế liệu đã qua xử lý trở thành nguyên liệu phục vụ sản xuất VLXD, san lấp mặt bằng…
Theo Thứ trưởng, xử lý tro, xỉ, thạch cao là vấn đề của Quốc gia. Đề án 452/QĐ-TTg còn mới, trong thời gian tới, các bộ, ngành, các đơn vị liên quan cần có sự phối hợp tốt trong việc triển khai nhiệm vụ trong đề án. Cùng với việc hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, cần tiếp tục nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệxử lý tro, xỉ, thạch cao; tăng cường thông tin tuyên truyền, phố biến để đề án được triển khai hiệu quả.
Trong việc xử lý tồn tại của Cty CP DAP – Vinachem, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao Bộ Xây dựng chỉ đạo, hướng dẫn các nhà máy xi măng sử dụng thạch cao sản xuất trong nước…, tại hội nghị này, một lần nữa, Thứ trưởng đề nghị VICEM nghiêm túc nhấp hành chỉ đạo của Bộ trong việc thực hiệnnhiệm vụ Chính phủ giao.
Liên quan đến một số kiến nghị cụ thể tại hội nghị, Thứ trưởng chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ tập hợp. Nội dung gì thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng, Bộ sẽ tiếp thu, tập trung giải quyết. Nội dung gì thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương khác thì Bộ sẽ cùng trao đổi, đi đến thống nhất trong việc giải quyết. Nội dung gì vượt thẩm quyền của các bộ, ngành thì Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ giải quyết.
Nguồn Tạp chí kiến trúc Việt Nam
EmoticonEmoticon