Nhà vệ sinh công cộng, một trong những công trình công cộng phổ biến nhất, đã được xây dựng và quản lý theo những tiêu chuẩn đồng bộ và hiện đại ở các nước phát triển trên thế giới.
Nhà vệ sinh công cộng được định nghĩa là một căn phòng nhỏ hay công trình xây dựng nhỏ có chứa một hoặc nhiều nhà vệ sinh (hay bồn cầu), được tất cả mọi người dân, khách hàng, nhân viên của doanh nghiệp nhất định sử dụng. Nhà vệ sinh công cộng được chia thành khu vực riêng cho nam, nữ, hoặc dùng chung cho cả nam lẫn nữ và khu vực dành riêng cho người khuyết tật.
Nhà vệ sinh công cộng có thể được cung cấp bởi chính quyền địa phương hoặc các doanh nghiệp thương mại. Cần hoặc không cần nhân viên giám sát hoạt động của công trình công cộng này. Ở một số quốc gia, người dân sử dụng nhà vệ sinh công cộng sẽ phải trả một khoản phí nhỏ. Nhà vệ sinh công cộng thường thấy tại các trường học, văn phòng, nhà máy; các bảo tàng, rạp chiếu phim, quán bar, nhà hàng và những nơi vui chơi, giải trí khác; trong nhà ga, trạm xăng; trên các phương tiện giao thông công cộng đường dài như xe lửa, máy bay.
Ở nhiều nước châu Á, châu Phi, các quốc gia theo đạo Hồi vẫn sử dụng bồn cầu xổm bởi tính vệ sinh cao hơn đối với một thiết bị vệ sinh nhiều người cùng sử dụng.
Tại Vương quốc Anh, Quy định về Nơi làm việc (Sức khỏe, An toàn và Phúc lợi) năm 1992, đòi hỏi các doanh nghiệp cung cấp nhà vệ sinh cho nhân viên, cùng với thiết bị rửa bao gồm xà phòng và các thiết bị làm sạch khác. Chính phủ cũng đưa ra Hướng dẫn về số lượng nhà vệ sinh cần thiết và loại thiết bị rửa yêu cầu cung cấp tại nơi làm việc.
Tuy nhiên, các chính quyền địa phương không có nghĩa vụ pháp lý phải cung cấp nhà vệ sinh công cộng.Tới năm 2008, Hạ viện, Cộng đồng và Ủy ban địa phương đã kêu gọi các chính quyền địa phương phát triển một chiến lược xây dựng nhà vệ sinh công cộng.
Tại Singapore, nhà vệ sinh công cộng tại được cung cấp bởi các trung tâm mua sắm, siêu thị, chợ, cơ sở, trung tâm ăn uống, quán bar, câu lạc bộ đêm, hội trường, rạp chiếu phim, nhà hát, công viên, khu du lịch, bến tàu, bến xe, trạm tàu điện ngầm, sân vận động, bể bơi công cộng và các trạm xăng. Các cơ sở này thường mở cửa cho tất cả mọi người hoặc hạn chế cho khách hàng quen của chủ sở hữu cơ sở.
Nguyên tắc thiết kế nhà vệ sinh công cộng ở Singapore không chỉ đảm bảo yêu cầu về không gian mà còn dựa trên các nghiên cứu về tâm lý cơ bản. Luật về Sức khỏe Môi trường của Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore (COPEH) quy định các tiêu chuẩn thiết kế tối thiểu cơ bản của nhà vệ sinh để giải quyết các vấn đề sức khỏe cộng đồng.
Vị trí nhà vệ sinh dễ tiếp cận, không quá xa khỏi khu vực giao thông chính, tránh phải di chuyển khoảng cách dài.Biển chỉ dẫn nhà vệ sinh công cộng đáp ứng các yêu cầu được quy định trong luật Xây dựng Môi trường.
Hệ thống chiếu sáng trong nhà vệ sinh công cộng có ánh sáng với màu sắc ấm áp cả cho khu vực bồn rửa và gương. Theo COPEH, mức độ sáng tối thiểu là 300 lux nhằm đảm bảo chiếu sáng đầy đủ các khu vực trong nhà vệ sinh.
Vật liệu được sử dụng có độ bền cao.Tường được xây bằng nguyên liệu chống thấm nước, bền như gạch men và tấm phenolic, tạo điều kiện vệ sinh và bảo tồn tài nguyên (giảm thiểu sử dụng nước và chất tẩy rửa).
Việc vệ sinh nhà vệ sinh công cộng ở Singapore được thực hiện hàng ngày, theo một trình tự có hệ thống giúp ngăn ngừa sai sót trong quá trình làm sạch. Giám sát viên và nhân viên dọn vệ sinh có trách nhiệm đảm bảo rằng nước được sử dụng để làm sạch một cách hiệu quả, tránh lãng phí, không làm ướt sàn, tường, các thiết bị vệ sinh khi không cần thiết.
Trong trường hợp dịch vụ làm sạch được cung cấp bởi bên thứ 3, các điều khoản để quản lý các nhà thầu cung cấp dịch vụ làm sạch nhà vệ sinh công cộng được Bộ Nhân lực Singapore quy định nhằm khuyến khích các nhà thầu tập trung vào chất lượng dịch vụ, đào tạo nhân viên vệ sinh tốt hơn.
Nhà khai thác dịch vụ vệ sinh công cộng và nhà thầu làm sạch cần xác định trong hợp đồng giữa 2 bên về hiệu quả công việc, không dựa trên số lượng nhân viên thực hiện.Các hợp đồng dựa trên hiệu quả công việc quy định yêu cầu đào tạo nhân viên được WSQ chứng nhận.
Thành phố Sydney, Australia cam kết trở thành một thành phố thân thiện và bền vững, cung cấp cuộc sống chất lượng cao cho người dân, du khách và các doanh nghiệp.Việc cung cấp nhà vệ sinh công cộng cũng góp phần nâng cao chất lượng sống của thành phố này. Thành phố đã xây dựng 117 nhà vệ sinh công cộng trên khắp các khu vực, trong đó có 54 nhà vệ sinh thuộc sở hữu và được Hội đồng Thành phố quản lý.
Dân số Sydney được dự báo sẽ đạt 252.000 người tới năm 2030, do đó nhu cầu về xây dựng nhà vệ sinh công cộng cũng tăng lên. Mục tiêu của Thành phố là đảm bảo rằng có nhà vệ sinh công cộng trong vòng 400m tại bất kỳ địa điểm nào ở trung tâm Sydney và tại tất cả các trung tâm mua sắm, công viên lớn và các sân thể thao.Vị trí và hướng của nhà vệ sinh công cộng đáp ứng các nguyên tắc thực hành của Chiến lược Ngăn ngừa Tội phạm thông qua Thiết kế Môi trường (CPTED).
Thành phố đã nâng cấp dần cơ sở vật chất của mạng lưới nhà vệ sinh công cộng từ năm 2009 với hơn 15 nhà vệ sinh được xây mới. Những nhà vệ sinh mới được bổ sung do Chính phủ New South Wales cung cấp tại các trung tâm thương mại, nhà ga đường sắt và các tòa nhà công cộng.
Theo một khảo sát mới đây có 90% số người được hỏi đã sử dụng nhà vệ sinh công cộng tại thành phố này trong 12 tháng qua. 57% số người tham gia khảo sát sử dụng nhà vệ sinh công cộng hàng tuần hoặc thường xuyên hơn. Có khoảng 334 lượt sử dụng nhà vệ sinh gần sân chơi công viên Sydney Park, St Peters mỗi ngày.Tại các điểm du lịch có khoảng 160 lượt người sử dụng mỗi ngày.Tại các trung tâm thương mại có khoảng 1500 lượt khách sử dụng nhà vệ sinh công cộng mỗi ngày.
Các điểm nhà vệ sinh công cộng xuất hiện trên Bản đồ Nhà vệ sinh Công cộng Quốc gia, một dự án của National Continence Management Strategy với mục tiêu xác định vị trí các nhà vệ sinh công cộng trên khắp các thị trấn, thành phố của Australia. Bản đồ này liệt kê tất cả các nhà vệ sinh thuộc sở hữu và quản lý của thành phố Sydney và các nhà vệ sinh được cung cấp bởi các cơ quan khác.Bản đồ này còn được chuyển thành một ứng dụng trên điện thoại, dễ dàng cung cấp cho tất cả người dân Sydney cũng như khách du lịch.
Về mặt quản lý, tất cả nhà vệ sinh công cộng đều phải tuân thủ theo Luật và Tiêu chuẩn của Luật Xây dựng Australia, Tiêu chuẩn Xây dựng các Công trình dành cho Người khuyết tật 2010 và một loạt các tiêu chuẩn liên quan khác của Australia.
Nhà vệ sinh công cộng cần cung cấp nhu cầu cho người dân ở mọi giới tính, lứa tuổi, bao gồm người khuyết tật, người cần chăm sóc y tế đặc biệt. Để đảm bảo sự an toàn cho nhà vệ sinh công cộng, thành phố áp dụng các nguyên tắc Thiết kế Chống tội phạm (CPTED) và Thiết kế Bền vững (ESD).
Nguồn Tạp chí kiến trúc Việt Nam
EmoticonEmoticon